Danh mục blog

Tại Rặng Núi Cuồng Điên (phần 4) - H. P. Lovecraft - Truyện Đọc Online

Giới thiệu chung:

 

  1. Tiêu đề truyện gốc: At the Mountains of Madness
  2. Năm xuất bản lần đầu: 1931
  3. Dịch tiếng Việt bởi: Nguyễn Thành Long
  4. Bản quyền bản dịch: Sách Bookism

---

Đọc truyện: Tại Rặng Núi Cuồng Điên

CHƯƠNG II (1)

Theo đánh giá của tôi, công chúng đã rất hào hứng khi nhận được các bản tin vô tuyến chúng tôi gửi về, thuật lại việc Lake bắt đầu Tây Bắc tiến, thâm nhập những vùng nhân loại chưa lần nào lai vãng, dù là bằng đôi chân hay thông qua hình dung của trí óc. Ông nuôi mộng cách mạng hóa toàn bộ ngành sinh học và địa chất học, nhưng hy vọng ngông cuồng đấy tuyệt nhiên không được chúng tôi đả động đến. Từ ngày 11 đến ngày 18 tháng Một, Lake đã cùng Pabodie và năm người khác tổ chức một cuộc thám hiểm sơ bộ bằng xe trượt kết hợp khoan đục thăm dò. Tuy chuyến du hành gặp chút trắc trở - giữa lúc đang vượt một gờ băng lớn, nhóm của Lake bị lật xe, khiến hai con chó xấu số thiệt mạng - họ vẫn khai thác thêm được nhiều mẫu vật mới từ tầng đá bảng thời Thái Cổ[1] kia. Nằm lồ lộ bên trong địa tầng cổ xưa đến không tưởng này là một lượng vết tích hóa thạch lớn dị thường, nhiều tới mức ngay cả tôi cũng đâm nảy hứng thú. Tuy nhiên, đấy đều là vết tích của những sinh vật rất nguyên thủy, và ngoài việc sự sống không hiểu sao lại có thể xuất hiện trong một lớp đá trông rõ là thuộc giai đoạn Tiền Cambri như thế ra, chúng không hề tiềm ẩn nghịch lý oái oăm nào. Vì vậy, tôi vẫn chẳng thấy Lake có lý do gì chính đáng để yêu cầu chúng tôi hoãn chương trình tiết kiệm thời gian của mình lại trong khi ông trưng dụng cả bốn phi cơ, một loạt nhân sự, kèm toàn bộ máy móc của đoàn đi làm việc khác. Rốt cuộc, tôi không phủ quyết kế hoạch ấy, song tôi dứt khoát không gia nhập nhóm thám hiểm khu vực Tây Bắc, dẫu đã được Lake khẩn khoản mời làm cố vấn địa chất. Trong khi họ đi vắng, tôi sẽ lưu lại căn cứ với Pabodie và năm người khác, tính toán nốt các kế hoạch cuối cùng cho hành trình di dời về phía Đông. Nhằm chuẩn bị cho công cuộc chuyển trại, một phi cơ đã bắt tay vào chuyên chở thật nhiều xăng từ eo McMurdo lên đây; nhưng hoạt động này tạm dừng cũng được. Tôi giữ lại một xe trượt và chín con chó, bởi lẽ trong một thế giới tịnh không bóng người, nơi cái chết vĩnh cửu ngự trị, phương tiện di chuyển phải luôn sẵn bên thân. Không làm như vậy, họa chỉ có phường xuẩn dại.

Như mọi người hẳn vẫn nhớ, trong quá trình khám phá miền chưa biết, đội thám hiểm phụ của Lake sử dụng máy phát sóng ngắn trên phi cơ để truyền về các báo cáo riêng. Cả thiết bị ở căn cứ phía Nam của chúng tôi lẫn tàu Arkham tại eo McMurdo đều thu nhận được chúng cùng một lúc, rồi từ đấy chuyển tiếp chúng cho thế giới bên ngoài, truyền đi trên những bước sóng dài đến năm mươi mét. Họ khởi hành lúc 4 giờ sáng, 22 tháng Một, xong chỉ hai tiếng sau, chúng tôi nhận được liên lạc vô tuyến đầu tiên từ Lake, đề cập đến việc ông sẽ hạ cánh và tiến hành làm tan băng kèm khoan quy mô nhỏ tại một địa điểm cách chỗ chúng tôi gần năm trăm cây. Bẵng đi sáu tiếng, thế rồi thông điệp thứ hai được truyền về, hồ hởi thuật lại rằng sau một hồi khoan đục và đánh thuốc nổ đầy tất bật, miệt mài, nhóm họ đã đào được một giếng mỏ nông, và chung cục đã tìm thấy một loạt mảnh đá bảng chứa những vết tích lạ, na ná cái vết khó hiểu ban đầu.

Ba tiếng sau, chúng tôi nhận được một mẩu tin ngắn, thông báo họ sắp sửa bay tiếp, bất chấp gió buốt đang quật rất dữ dội. Khi tôi đánh điện bảo chớ nên liều lĩnh thêm nữa, Lake cộc lốc đáp rằng có phải liều đến mấy vì các mẫu vật mới thì cũng đáng. Vậy là cái ông này đã trở nên quá hăng, quá nhiệt, tới độ xem thường cả mệnh lệnh mất rồi, và tôi nhận ra mình chỉ còn nước bó tay trước hành động xốc nổi ấy, vô phương ngăn cản nó đe dọa sự thành bại của toàn bộ chuyến thám hiểm. Dù gì thì gì, tôi vẫn không khỏi kinh hãi khi nghĩ đến cảnh ông càng lúc càng dấn sâu vào trong cái cõi trắng rộng ngợp kia - một lãnh địa hiểm trở và gian tà, với muôn giông tố và bí ẩn khôn lường bủa giăng, dàn trải gần hai ngàn bốn trăm cây số, tới tận đường bờ biển hẵng chưa vẹn tỏ tại hai vùng đất Nữ hoàng Mary[2] và Knox[3].

Thế rồi, sau khoảng một tiếng rưỡi, một thông điệp mới được truyền về từ chiếc phi cơ đang bay của Lake, giọng điệu hào hứng gấp bội ban nãy. Nghe nó mà tôi suýt chút nữa đổi hẳn lập trường, và thầm ước mình đã đi theo nhóm bọn họ:

“10:05 tối. Đang trên không. Đã phát hiện một rặng núi sau khi bay xuyên bão tuyết. Nó ở ngay trước mặt, cao chưa từng thấy. Dễ chừng còn ngang ngửa Himalaya, nếu cộng cả độ cao của cao nguyên vào. Tọa độ khoảng 76° 15' kinh Nam, 113° 10' vĩ Đông. Chạy mút tầm mắt cả theo mạn trái lẫn mạn phải. Hình như có hai miệng núi đang nhả khói. Mọi đỉnh đều đen và không bị tuyết phủ. Rất khó lái vì có gió mạnh thốc ra từ chúng.”

Sau mẩu tin đó, tôi, Pabodie, và những người khác cùng nín thở túm tụm bên ống nghe. Khi nghĩ về rặng núi ấy, về cái tòa thành khổng lồ nằm cách chỗ mình hơn ngàn cây số này, chúng tôi cảm thấy một tinh thần phiêu lưu hết sức máu lửa bùng cháy trong tim; và dù không đích thân phát hiện ra nó, chúng tôi vẫn cứ nức lòng nức dạ, bởi lẽ công lao chí ít cũng thuộc về chuyến thám hiểm đoàn chúng tôi tổ chức. Nửa tiếng sau, Lake lại điện cho chúng tôi:

“Phi cơ của Moulton đã buộc phải đáp xuống cao nguyên dưới chân núi, nhưng không ai bị thương hết, và chắc sẽ sửa được nó thôi. Sẽ chuyển các trang bị thiết yếu sang ba chiếc còn lại để quay về hoặc bay tiếp nếu cần thiết, nhưng tạm thời chưa cần triển khai thêm chuyến bay quy mô nào cả. Rặng núi thực ngoài sức tưởng tượng. Sẽ dỡ hết đồ xuống khỏi phi cơ của Carroll và dùng nó để trinh sát. Mọi người không hình dung nổi nó như thế nào đâu. Đỉnh cao nhất dễ phải hơn mười ngàn năm trăm mét. Đến Everest cũng phải chào thua. Atwood sẽ dùng máy kinh vĩ tính độ cao trong khi Carroll và tôi bay lên. Chắc đã nhầm về vụ có miệng núi bốc khói, bởi vì kết cấu đá nhìn có vẻ bị phân tầng. Có khi là đá bảng Tiền Cambri xen lẫn với một số địa tầng khác. Dáng dấp nó lạ lắm - bám vào các ngọn cao nhất là những mảng khối lập phương cân đối. Toàn rặng đẹp lộng lẫy dưới ánh Mặt Trời đêm vàng đỏ. Cứ như một vùng đất huyền bí trong mơ hay cánh cổng dẫn sang một miền cấm địa đầy diệu cảnh tinh khôi vậy. Tiếc là mọi người lại không có ở đây để nghiên cứu nó.”

Chính ra, hiện đang là giờ ngủ, nhưng nhóm chúng tôi chỉ chúi tai nghe chứ chẳng chút thiết tha chuyện đi nằm. Tại eo McMurdo, cả kho trữ vật liệu lẫn tàu Arkham cũng đều đang nhận được các thông điệp này, và sự tình ở đó hẳn cũng không khác là bao, bởi vì Thuyền trưởng Douglas đã đánh điện chúc mừng cả nhóm về phát hiện trọng đại ấy, và Sherman, anh quản kho trữ, cũng gửi lời khánh chúc tương tự. Lẽ đương nhiên, vụ hỏng phi cơ là một biến cố đáng tiếc, nhưng chúng tôi hy vọng nó sẽ không khó sửa. Thế rồi, lúc 11 giờ tối, Lake lại điện về:

“Đã cùng Carroll bay vượt những quả đồi cao nhất tại vùng dưới chân núi. Không dám phóng lên chỗ mấy ngọn núi thực sự chót vót trong điều kiện thời tiết hiện tại, nhưng chốc sẽ thử. Phải nhọc nhằn kinh khủng mới lên được đến độ cao này, và bay trên đây là cả một thách thức, nhưng rất bõ công. Rặng núi vừa lớn lại vừa không có khoảng hở, thành ra chẳng thể quan sát thấy gì đằng sau nó hết. Các đỉnh chính cao vượt Himalaya, và vô cùng kỳ quặc. Mang hình thái một rặng đá bảng Tiền Cambri, đồng thời cũng dễ nhận thấy nó còn gồm nhiều địa tầng đã dâng lên khác nữa. Đã nhầm về chuyện có hoạt động núi lửa. Trải dài tít tắp theo cả hai hướng, dõi đi đâu cũng không thấy điểm dừng. Từ khoảng sáu ngàn mét rưỡi đổ lên sạch bong tuyết. Tọa trên sườn những ngọn núi cao nhất là một số thành hệ quái lạ. Gồm các khối lập phương lớn, thấp, với mặt bên dựng thẳng đứng, và các bờ lũy lùn, nằm dọc, xếp theo hàng lối vuông vuông, nom giống y những tòa thành châu Á cổ đeo trên núi đá dốc trong tranh Roerich vẽ. Nhìn từ xa rất ấn tượng. Đã tiến sát vài thành hệ, và Carroll nghĩ chúng do nhiều mảnh nhỏ riêng rẽ hợp thành, nhưng đấy chắc chỉ là hệ quả của phong hóa. Phần lớn mép cạnh đều vỡ nát và bị bào nhẵn, tựa hồ đã phải dãi dầm bão tố và biến đổi khí hậu suốt hàng triệu năm. Đá ở một số nơi, đặc biệt là những chỗ trên cao, trông nhạt màu hơn so với mọi địa tầng lộ thiên khác trên các vùng sườn núi. Điều này chứng tỏ chúng mang gốc tinh thể, không lẫn vào đâu được. Bay đến gần thì thấy nhiều miệng hang, trong đó có những miệng đều đặn bất thường - hoặc vuông, hoặc bán nguyệt. Mọi người phải đến nghiên cứu đi. Hình như tôi trông thấy một bờ lũy nằm ngay trên chót đỉnh một ngọn núi. Chiều cao có lẽ trong khoảng từ chín ngàn cho đến hơn mười ngàn mét rưỡi. Bản thân tôi thì đang ở độ cao sáu ngàn mét rưỡi, giữa cái lạnh cắt da cắt thịt tàn nhẫn. Gió lanh lảnh tạt giữa các đèo, lùa ra lùa vào các hang động, nhưng tới nay chưa có gì gây nguy hiểm cho việc bay cả.”

Suốt nửa tiếng đồng hồ sau đó, Lake tiếp tục bình luận không ngớt lời, ngoài ra còn chia sẻ rằng ông tính sẽ leo lên vài ngọn núi theo đường bộ. Tôi bảo mình sẽ qua nhập bọn với ông ngay khi ông điều được một phi cơ về đây, và Pabodie sẽ cùng tôi trù liệu phương án phân bổ xăng dầu tối ưu. Chương trình thám hiểm nay đã thay đổi, và chúng tôi phải cân nhắc xem nên tập kết nhiên liệu ở đâu và như thế nào cho phù hợp. Hiển nhiên, công tác khoan cũng như các hoạt động trên không của Lake sẽ đòi hỏi chúng tôi trữ một lượng xăng lớn tại khu căn cứ mới, được ông dự định thiết lập dưới chân rặng núi; thứ nữa, có khả năng chuyến bay về phía Đông rốt cuộc sẽ không được thực hiện trong mùa này. Nhằm phục vụ kế hoạch đang sắp đặt, tôi điện cho Thuyền trưởng Douglas, nhờ ông ta đem thật nhiều xăng xuống khỏi tàu và chở chúng lên bức lũy với đội chó duy nhất chúng tôi đã để lại ở đó. Đoàn tôi thực sự cần thiết lập một tuyến đường cắt ngang qua vùng đất bí hiểm án ngữ giữa Lake và eo McMurdo, nối liền hai nơi ấy với nhau.

Một lúc sau, Lake điện cho tôi, thông báo rằng mình đã chốt sẽ dựng trại ở nơi phi cơ của Moulton đã buộc phải hạ cánh và hiện đã được sửa chữa phần nào. Băng ở đó phủ rất mỏng, rải rác dăm ba chỗ còn có thể nhìn thấy đất sẫm màu, và ông sẽ triển khai khoan nổ mìn ngay tại đấy trước, xong mới chuyển sang thám hiểm bằng xe trượt hoặc bắt tay vào leo núi. Ông kể về sự tráng lệ không bút nào tả xiết của khung cảnh, về những rung cảm dị kỳ ông trải nghiệm khi đứng lọt thỏm dưới bóng những đỉnh núi sừng sững, lầm lì, dàn hàng nhô dậy như một bức tường ngất ngưởng bên rìa thế giới, chạm tới tận trời xanh. Theo những quan sát Atwood thu được từ máy kinh vĩ, chiều cao của năm đỉnh cao nhất rơi vào khoảng từ chín ngàn mốt cho đến hơn mười ngàn ba trăm mét. Bản chất bị gió càn quấy của địa hình rõ ràng khiến Lake cảm thấy bất an, bởi vì nó cho thấy nơi đây thi thoảng sẽ xuất hiện những trận gió mạnh kinh hồn, dữ tợn hơn mọi bão giông chúng tôi từng hứng chịu. Trại của ông nằm xa chân núi một quãng, cách chỗ cụm đồi cao chợt nhô vọt lên hơn tám cây. Ông hối thúc nhóm tôi thu xếp thật khẩn trương và giải quyết dứt điểm công chuyện với cái miền đất mới lạ kia, sớm được chừng nào hay chừng ấy. Lời lẽ của ông vụt truyền qua khoảng hư không giá băng trải dài cả ngàn cây số, và tôi có thể lờ mờ nghe ra một nét e sợ vô thức ẩn trong chúng. Bây giờ, sau một ngày ròng lao động với tốc độ mau lẹ vượt bậc cùng tinh thần hăng say hiếm ai sánh bằng, và nhờ đấy mà đã gặt hái được những thành quả xuất sắc, ông sẽ lui về nghỉ.

Sáng ra, từ các căn cứ xa nhau nghìn trùng, tôi đã cùng Lake và Thuyền trưởng Douglas tổ chức một cuộc họp ba bên qua hệ thống vô tuyến. Chúng tôi nhất trí rằng một phi cơ của Lake sẽ được cử đến trại tôi. Nó sẽ đón tôi, Pabodie, và năm người kia, đồng thời chở được bao nhiêu xăng dầu thì sẽ khiêng hết bấy nhiêu theo luôn. Bài toán nhiên liệu đến đây vẫn còn dang dở, và đường hướng xử lý phần còn lại sẽ phụ thuộc vào việc liệu chúng tôi có tính làm một chuyến Đông tiến hay không. Nhưng trước mắt, Lake đã có đủ chất đốt để đáp ứng nhu cầu sưởi ấm và khoan đục, vậy nên bỏ ngỏ vấn đề ấy ít hôm cũng chẳng sao. Căn cứ mạn Nam cũ kiểu gì cũng sẽ cần được tiếp tế thêm, nhưng nếu hoãn vụ Đông tiến lại, phải sang hè năm sau đoàn tôi mới dùng đến nó. Trong khi ấy, Lake cần điều một phi cơ đi thám sát địa bàn, hòng tìm ra một tuyến đường dẫn thẳng từ rặng núi mới của ông đến eo McMurdo.

Pabodie và tôi sửa soạn đóng cửa căn cứ, ngắn hạn hay dài hạn thì còn tùy tình hình. Nếu phải lưu lại Nam Cực trú đông, có lẽ chúng tôi sẽ bay thẳng từ căn cứ của Lake đến tàu Arkham chứ không quay trở lại nơi này nữa. Vài gian lều nón đã được gia cố bằng những khối tuyết cứng, và giờ đây, chúng tôi quyết sẽ củng cố nốt toàn trại, biến nó thành một ngôi làng cố định. Chỗ Lake thừa mứa lều bạt, thế nên ngay cả sau khi chúng tôi dọn đến, căn cứ của ông cũng sẽ chẳng thiếu thốn gì. Tôi đánh điện báo rằng sau một ngày làm việc và một đêm nghỉ ngơi, Pabodie cùng tôi sẽ sẵn sàng rời lên Tây Bắc.

Tuy nhiên, từ 4 giờ chiều trở đi, chúng tôi làm việc không được đều tay cho lắm. Nguyên nhân là tầm khung giờ đó, Lake bắt đầu gửi về những thông điệp rất mực phi thường và sục sôi phấn khích. Ngày làm việc của ông đã có khởi đầu không mấy thuận lợi. Ông muốn tìm các địa tầng Thái Cổ nguyên thủy, thành phần chủ chốt tạo nên những ngọn núi vĩ đại, lù lù vươn mình cách trại một quãng đầy mời gọi kia. Ngặt thay, khi khảo sát các mặt đá gần lộ thiên từ trên không, họ tuyệt chẳng dò ra địa tầng nào như vậy cả. Hầu hết các loại đá quan sát được xem chừng là sa thạch thuộc kỷ Jura[4] và thế Comanche[5], cùng với đá phiến kỷ Permi[6] và kỷ Trias[7]; thỉnh thoảng lại có một ụ đá đen bóng trồi ra, trông giống than phân phiến cứng. Điều này khiến Lake nản lòng ghê gớm, bởi lẽ nếu không khai quật được mẫu vật nào xưa vượt các niên đại ấy đến hơn năm trăm triệu năm, mọi kế hoạch của ông sẽ đều sụp đổ. Như Lake thấy, để kiếm lại mạch đá bảng Thái Cổ nơi mình từng phát hiện cái vết lạ, ông rõ ràng sẽ phải thực hiện một hành trình dài bằng xe trượt, lặn lội từ bãi đồi lên vùng sườn cheo leo của rặng núi khổng lồ.

(Còn tiếp)

---

Mời bạn đọc thêm:

 

  1. Phần trước: https://bookism.com.vn/tai-rang-nui-cuong-dien-phan-3-h-p-lovecraft
  2. Phần kế tiếp: https://bookism.com.vn/tai-rang-nui-cuong-dien-phan-5-h-p-lovecraft

 


[1] Liên đại địa chất thứ hai trong bốn liên đại địa chất của lịch sử Trái Đất, đại diện cho quãng thời gian từ 4 tỷ đến 2,5 tỷ năm trước. Đây là giai đoạn các vi sinh vật sống sớm nhất từng được con người biết đến xuất hiện. [N.D.]

[2] Còn được gọi là bờ biển Nữ hoàng Mary. Đây là một vùng ven biển nằm rất xa về phía Tây của vùng đất Victoria. Tên khu vực này được đặt theo Nữ hoàng Mary (1867 - 1953) của Anh. [N.D.]

[3] Phần bờ biển nằm kế bên vùng đất Nữ hoàng Mary về phía Đông. Tên khu vực này được đặt theo Trung úy Samuel R. Knox (1811-1883), thuyền trưởng một con tàu thuộc đoàn thám hiểm đã phát hiện ra nó. [N.D.]

[4] Một thời kỳ địa chất kéo dài từ khoảng 201,4 triệu năm tới khoảng 145 triệu năm trước. [N.D.]

[5] Một thời kỳ địa chất kéo dài từ khoảng 145 triệu năm tới khoảng 100,5 triệu năm trước. Thuật ngữ này hiện đã lỗi thời, và ngày nay, khi nhắc đến giai đoạn ấy, người ta thường hay sử dụng các đơn vị thay thế là thế Creta Sớm, thế Phấn Trắng Sớm, hoặc thế Phấn Trắng Hạ. [N.D.]

[6] Một thời kỳ địa chất kéo dài từ khoảng 298,9 triệu năm tới khoảng 251,9 triệu năm trước. Còn được gọi là kỷ Nhị Điệp. [N.D.]

[7] Một thời kỳ địa chất kéo dài từ khoảng 251,9 triệu năm tới khoảng 201,4 triệu năm trước. Còn được gọi là kỷ Tam Điệp. [N.D.]


Cùng dấn sâu vào dòng giả tưởng với tác phẩm mới nhất của Bookism tại đây bạn nhé.

↓   ↓


TAGS :

H. P. Lovecraft