Danh mục blog

Phân biệt Khoa học viễn tưởng (Sci Fi) và Kỳ ảo (Fantasy)

Thế nào là “Khoa học viễn tưởng” và thế nào là “kỳ ảo”? Một câu hỏi đơn giản nhưng để trả lời được thì không dễ chút nào.

Khoa học viễn tưởng và kỳ ảo được gộp chung vào một loại đó là "speculative fiction," tức “giả tưởng tự biện.” Bởi thế mà những người không đọc nhiều truyện Khoa học viễn tưởng/kỳ ảo thường tưởng nhầm hai thể loại này không có gì khác biệt. 

Vào thập niên 70, nhà văn Miriam Ellen DeFord đã đưa ra định nghĩa: "Khoa học viễn tưởng nói về những điều khả thi nhưng khó xảy ra (improbable possibilities), kỳ ảo nói về những điều không thể tồn tại nhưng nghe hợp lý (plausible impossibilities)." Nhưng rồi đến lượt Arthur C. Clarke, một nhà văn khoa học viễn tưởng nổi tiếng, lại nói rằng, "Bất cứ công nghệ đủ tân tiến nào cũng sẽ giống y hệt ma thuật." Chính thế mà bạn có thể thấy đến giới chuyên gia còn khó phân biệt hai dòng văn này. 

Tất nhiên, nói vậy không có nghĩa không cách nào phân tách được hai dòng văn này. Truyện khoa học viễn tưởng và truyện kỳ ảo có những đặc điểm rất riêng biệt, và khi hiểu về chúng ta sẽ biết thế nào là khoa học viễn tưởng, thế nào là kỳ ảo.

1) KHOA HỌC VIỄN TƯỞNG (SCIENCE FICTION/SCI FI/SF)

Điểm đầu tiên là truyện khoa học viễn tưởng luôn được xây dựng dựa trên nền tảng khoa học. Các tình huống, công nghệ, chi tiết trong truyện cần phải nằm trong phạm vi khoa học thực hiện được, hoặc ít nhất là khả dĩ thực hiện được trong tương lai. Nếu yếu tố khoa học không đóng vai trò chủ chốt, hoặc khoa học phi lô-gíc hay hoàn toàn bất khả thi thì nó không thể là khoa học viễn tưởng. Nếu gặp một số tác phẩm khoa học viễn tưởng viết về đề tài du hành vũ trụ trong tương lai xa xôi hay vượt thời gian nghe có vẻ bất khả thi, hãy để ý xem nó có được xây dựng trên cơ sở các học thuyết khoa học không và có tiềm năng trở thành hiện thực không.

 

Khoa học viễn tưởng còn bao gồm những tác phẩm viết về những điều có thể sẽ diễn ra trong tương lai, hoặc như trong dòng văn lịch sử thay đổi (alternate history) là những bước ngoặt có thể đã xảy ra trong qua khứ. Luôn tồn tại một con đường dẫn từ thế giới hiện tại của ta đến thế giới trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng thuộc loại này. Thường con đường đó đơn giản chỉ là sau một thời gian nhất định, khoa học đã có những tiến bộ và thay đổi, đồng thời xã hội cũng có những chuyển biến mới lạ. 

brave new world

Brave new world, một tác phẩm khoa học viễn tưởng kể về thế giới tương lai, nơi con người được “kiến tạo” thay vì sinh ra, và mọi hành vi thoả mãn nhục dục sa đoạ đều được xã hội chấp nhận
(Nguồn ảnh: goodreads)

Ngoài ra, các tác phẩm khoa học viễn tưởng thường yêu cầu phải được giải thích kỹ lưỡng, và truyện vừa phải chặt chẽ về nội dung và vừa gắn chặt với thế giới "thực." Thế giới trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng cần tuân theo các định luật khoa học cơ bản của thế giới "thực," hoặc chi ít cũng phải đưa ra được lời giải thích hợp lý cho các điểm khác biệt. Khoa học viễn tưởng không nhất thiết phải lấy bối cảnh tương lai, mà câu chuyện có thể xảy ra ở hiện tại hay thậm chí quá khứ; nhưng dù diễn ra ở khung thời gian nào, và dù thế giới trong truyện có xa lạ đến đâu chăng nữa, người đọc cần cảm nhận được một sự kết nối khả dĩ giữa thế giới "thực" và thế giới "viễn tưởng." 

2) KỲ ẢO (FANTASY)

Kỳ ảo bao gồm những truyện với yếu tố siêu nhiên hoặc ma thuật, không có cơ sở khoa học. Nói cách khác, kỳ ảo là những câu chuyện không bao giờ có thể xảy ra ngoài đời. Truyện kỳ ảo thường phải giải thích nhiều hơn về bối cảnh thế giới xung quanh vì nó quá xa cách thế giới "thực." Lời giải thích có thể chi tiết, cặn kẽ, nhưng chỉ cần chặt chẽ về nội dung trong truyện, tức lô-gic của truyện có thể gói gọn trong cuốn sách, không cần phải phù hợp với thế giới bên ngoài trang giấy.

Chính bởi truyện không lấy nền tảng là khoa học nên các thế giới kỳ ảo không cần phải “thực.” Không có con đường nào dẫn từ thế giới thực tại của ta đến thế giới kỳ ảo: cho dù cố thế nào đi chăng nữa, bạn sẽ không bao giờ được đặt chân vào một thế giới kỳ ảo bởi vì pháp thuật và các hiện tượng siêu nhiên không tồn tại trong thế giới chúng ta. Các quy luật và lô-gic của thế giới kỳ ảo có thể trái ngược hoàn toàn với thế giới "thực," miễn là mạch chuyện không chệch ra ngoài khuôn khổ lô-gic đã định sẵn trong tác phẩm. 

hogwarts

Rất xin lỗi, nhưng bạn sẽ không bao giờ được đặt chân đến đây
(Nguồn ảnh: Wikimedia)

Ngoài ra, dòng văn kỳ ảo tồn tại từ trước khoa học viễn tưởng rất lâu. Có ý kiến cho rằng kỳ ảo là một trong những dòng văn lâu đời nhất trong lịch sử nhân loại. Nếu nhìn lại những câu chuyện xa xưa từ các nền văn minh cổ đại như Sử thi Gilgamesh của người Sume hay thần thoại Hy Lạp, chúng ta sẽ thấy có sự xuất hiện của chúa trời, quái vật và pháp thuật. Khoa học viễn tưởng là một trong những dòng văn mới, ra đời trong khoảng thế kỷ hai mươi, và tiền đề của nó cũng chỉ cách đây mấy trăm năm.

greek

Thần chiến tranh trong thần thoại Hy Lạp là một ví dụ về một nhân vật kỳ ảo
(Nguồn ảnh: Wikimedia)

3) TÓM LẠI

Những điểm khác biệt giữa khoa học viễn tưởng và kỳ ảo:

  • Khoa học viễn tưởng
    • Xây dựng dựa trên nền tảng khoa học. Khoa học công nghệ đóng vai trò chủ đạo.
    • Sự kiện, chi tiết trong truyện có thể trở thành hiện thực (trong tương lai, hiện tại, hoặc đáng ra thành hiện thực trong quá khứ).
    • Bám sát thế giới thực, tuân thủ các định luật, quy tắc của thế giới thực. Nếu phá quy tắc sẽ có giải thích cho hợp lô-gic trong truyện và thế giới đời thực.
  • Kỳ ảo
    • Không có cơ sở khoa học. Phép thuật siêu nhiên đóng vai trò chủ đạo.
    • Sự kiện, chi tiết trong truyện không bao giờ có thể thành hiện thực.
    • Không cần bám thế giới thực. Những gì bất hợp lý với thế giới thực chỉ cần giải thích cho hợp lô-gic của truyện.

Hy vọng sau bài viết này, bạn đã có cơ sở để phân biệt các tác phẩm khoa học viễn tưởng và kỳ ảo.


Cùng dấn sâu vào dòng giả tưởng với tác phẩm mới nhất của Bookism tại đây bạn nhé.

↓   ↓


TAGS :

Kiến thức thú vị