Danh mục blog

Trái Tim Mách Tội - Edgar Allan Poe - Truyện Đọc Online

Giới thiệu chung

 

  1. Tiêu đề truyện gốc: The Tell-Tale Heart
  2. Năm xuất bản lần đầu: 1843
  3. Dịch tiếng Việt bởi: Nguyễn Thành Long
  4. Bản quyền bản dịch: Sách Bookism

---

Đọc truyện: Trái Tim Mách Tội

Thật mà! Tôi run lắm, rất, rất đỗi run, và giờ vẫn vậy đấy; nhưng cớ sao ngài lại bảo tôi điên? Căn bệnh đã mài sắc giác quan của tôi chứ không hề hủy hoại, không hề làm thui chột chúng. Đặc biệt, thính giác tôi sắc bén vô cùng. Tôi nghe thấy đủ thứ trên trời dưới bể. Tôi còn nghe tường vạn điều dưới cõi âm nữa. Đã thế thì sao tôi lại điên được? Hãy nghe đây! Và nhìn mà xem tôi có thể kể cho ngài nghe đầu đuôi sự tình một cách lành mạnh, bình tĩnh đến nhường nào nhé.

Tôi chẳng tài nào nhớ nổi ý tưởng đấy lọt vào não mình kiểu gì, nhưng một khi đã nảy ra, nó ám ảnh tôi cả ngày lẫn đêm. Động cơ ư? Nào có. Hỷ, nộ, ái, ố ư? Nào có. Tôi yêu cái lão đấy. Lão chưa bao giờ đối đãi bất công với tôi. Lão chưa bao giờ xúc phạm tôi. Tôi chẳng ham hố gì vàng của lão. Tôi nghĩ vấn đề nằm ở mắt lão! Vâng, chính nó! Một bên mắt lão cứ từa tựa kền kền - một con mắt xanh nhạt, có màng đục. Mỗi lần nó nhìn vào tôi, máu tôi tức khắc toát lạnh; và thế là dần dần, rất chậm rãi, tôi quyết định lấy mạng lão, từ đó vĩnh viễn loại bỏ con mắt kia cho nhẹ nợ.

Mấu chốt là thế này đây nhé. Ngài tưởng tôi điên. Lũ điên ngu muội lắm. Nhưng đáng lẽ ngài phải thấy tôi kia. Ngài phải thấy tôi hành động khôn khéo ngần nào; phải thấy cái sự cẩn trọng, lường trước tính sau, cái trò vờ vĩnh tôi đã triển khai kia! Trong cả cái tuần trước khi giết lão, tôi tử tế với lão vô cùng. Và mỗi tối, cứ khoảng nửa đêm, tôi lại vặn then cửa phòng lão và mở nó ra - hỡi ôi, vặn khẽ khàng lắm! Và sau đó, khi đã mở được một khe đủ rộng cho đầu mình, tôi tuồn một chiếc đèn lồng tối vào; nó được bưng bít kín kẽ, bít thật kín để ánh sáng không chiếu ra; thế rồi tôi thò đầu vào trong. Ôi, nếu được chứng kiến cái kiểu thò đầu quỷ quyệt của tôi, hẳn ngài sẽ bật cười cho xem! Tôi dịch đầu chậm rãi - rất, rất chậm rãi, để không phá giấc ngủ của lão. Phải mất nguyên một tiếng thì tôi mới thò được cả cái đầu mình vào trong khe hở đủ xa để thấy lão nằm trên giường. Ha! Một kẻ điên liệu có khôn được đến thế không? Và rồi, khi đầu đã ở hẳn trong phòng, tôi thận trọng kéo tấm che đèn - ôi, thận trọng lắm - thận trọng cực kỳ (vì bản lề bị kêu kẽo kẹt), kéo chỉ vừa đủ để một tia sáng mỏng manh rọi lên con mắt kền kền. Và tôi đã làm thế suốt bảy đêm dài, đêm nào cũng vào giữa canh ba, nhưng tôi luôn thấy con mắt nhắm nghiền, và vì vậy nên vô phương xuống tay. Nguyên cớ bởi thủ phạm làm tôi cáu tiết không phải lão, mà chính là cái Ác Nhãn của lão. Và mọi sáng, khi bình minh lên, tôi hùng dũng bước vào buồng và mạnh dạn nói chuyện với lão, thân mật gọi tên lão, và hỏi han tình hình lão ngủ nghê ra sao. Thế nên như ngài thấy đấy, lão phải là hạng cao tay tột cùng thì mới ngờ nổi rằng hằng đêm, vào đúng mười hai giờ, trong khi lão đang say giấc nồng, tôi lại vào ngó lão.

Vào đêm thứ tám, tôi mở cửa thận trọng hơn lệ thường. Kim phút đồng hồ còn di chuyển nhanh hơn tay tôi. Chưa bao giờ tôi thấy thấm thía sức mạnh của bản thân, sự thông minh của bản thân bằng đêm hôm đó. Tôi gần như chẳng kìm nén nổi cảm giác đắc thắng. Nghĩ thử mà xem, tôi thì đang ở ngay đó, mở cửa từng chút một, trong khi lão thì thậm chí đến trong mơ cũng không mường tượng ra nổi cả các hành động lẫn tâm tư bí mật của tôi. Suy nghĩ ấy khiến tôi bật cười, và dễ chừng lão đã nghe thấy tôi, bởi lẽ lão chợt nhúc nhích trên giường, như thể giật thột. Đến đây, có thể ngài sẽ nghĩ rằng tôi đã rụt lại - nhưng không. Vì một bóng tối dày đặc đang khiến phòng lão đen kịt như mực (cửa chớp đã được đóng chặt do sợ trộm viếng), tôi biết lão không thể nhìn thấy cánh cửa bị mở, và tôi tiếp tục đều tay, đều tay đẩy nó.

Lúc tôi đã thò đầu vào và sắp mở chiếc đèn lồng thì ngón cái của tôi bị trượt trên miếng che thiếc, và lão ta liền bật dậy trên giường, hô lớn, “Ai đấy?”

Tôi giữ im người và câm như thóc. Suốt một giờ liền, tôi chẳng động đậy đến một thớ cơ, và trong lúc đó, tôi chẳng nghe thấy tiếng lão nằm xuống gì cả. Lão vẫn đang ngồi nhỏm người trên giường, dỏng tai nghe ngóng; hệt như tôi hồi trước, đêm này qua đêm khác, lắng nghe những chiếc đồng hồ chết trên tường.

Chẳng bao lâu sau, tôi nghe thấy một tiếng rên khẽ, và tôi biết đó là tiếng rên của sự khiếp hãi tột độ. Đó không phải là một tiếng rên đau đớn hay buồn khổ - không hề! Đó là cái tiếng nghèn nghẹt khe khẽ phát ra từ tận đáy sâu tâm hồn khi nỗi sợ đã tràn ly. Tôi biết rõ cái thanh âm ấy. Đã nhiều tối, vào đúng nửa đêm, khi cả thế giới say ngủ, nó thoát ra từ chính lồng ngực của tôi, với những vọng âm dễ sợ khiến cho bao kinh hoàng càng thêm phần nặng nề, làm tôi mất tập trung. Tôi xin khẳng định mình biết rõ nó. Tôi biết cảm giác của lão khọm già kia và thấy thương hại lão, mặc dù vẫn cười thầm trong bụng. Tôi biết lão đã tỉnh thao láo kể từ lúc tiếng động nhỏ đầu tiên khiến lão cựa mình trên giường. Từ đó đến giờ, nỗi sợ hãi của lão cứ thế lớn dần. Lão cố nghĩ chúng chẳng có nguyên nhân gì hết, nhưng bất thành. Lão đã tự nhủ, “Không gì hơn một ngọn gió lùa trong ống khói đâu, chỉ là một con chuột phóng ngang sàn ấy mà,” hay “Đó chẳng qua là một tiếng dế kêu thôi.” Vâng, lão đã cố gắng huyễn hoặc bản thân với những giả định này; nhưng lão thấy làm vậy chỉ công cốc. Công cốc bởi vì khi lại gần lão, Tử Thần đã để bóng đen của mình hắt xuống trước mặt và phủ kín nạn nhân. Và chính tác động đầy tang tóc của cái bóng ngoài sức lãnh hội kia đã khiến lão cảm nhận được - mặc dù chẳng nhìn hay nghe thấy nổi - sự hiện diện của đầu tôi trong phòng.

Sau khi đã hết sức kiên nhẫn chờ đợi một hồi lâu mà không nghe thấy lão nằm xuống, tôi quyết định mở hé cái đèn ra một tí - mở một khe bé tẹo teo thôi. Tôi cứ mở nó như thế - ngài không hình dung nổi mở rón rén chừng nào đâu - cho đến mãi sau đó, khi một tia sáng tù mù, nhỏ nhoi, hệt như tơ nhện chiếu ra từ cái khe, và rọi vào con mắt kền kền kia.

Nó đang mở - mở to thao láo - và khi nhìn vào nó, tôi hăng hết tiết lên. Tôi thấy nó rõ rệt khôn tả - tuyền một sắc xanh xỉn với một lớp màng tởm lợm, làm tôi buốt tận tủy sống; nhưng tôi không thấy được nét gì khác trên mặt mũi hay người ngợm lão cả, bởi như thể theo bản năng, tôi đã hướng tia sáng vào trúng phóc cái điểm khốn kiếp đó.

Và chẳng phải tôi đã bảo với ngài thứ ngài lầm tưởng là cơn điên kỳ thực chỉ là hiện tượng các giác quan bị nhạy quá mức đó sao? Xin khẳng định rằng ngay lúc ấy, vọng vào tai tôi một âm thanh trầm, ù ù, mau lẹ, hao hao tiếng một chiếc đồng hồ bọc trong bông phát ra. Tôi cũng chẳng lạ gì âm thanh này. Đó là tiếng nhịp tim của lão. Nó càng thổi bùng lên cơn thịnh nộ của tôi, y như cách tiếng trống trận khơi dậy dũng khí cho lính tráng.

Nhưng ngay cả khi ấy, tôi vẫn ghìm lại và đứng yên như phỗng. Tôi gần như nín thở. Tôi giữ đèn bất động. Tôi cố gắng duy trì tia sáng thật im trên con mắt. Trong khi đó, hồi trống khủng khiếp của trái tim dần mạnh lên. Mỗi tích tắc trôi qua, nó càng thêm dồn dập, và ngày một ồn ã hơn. Lão hẳn phải kinh hãi đến tột điểm! Nó cứ to dần, to dần theo từng khoảnh khắc! Hãy nhớ tôi từng bảo với ngài là mình bị run: tôi đang thấy thế đấy. Và hiện giờ, trong lúc đêm hôm khuya khoắt, giữa sự im lặng rờn rợn của ngôi nhà cũ kỹ kia, một tiếng ồn quái lạ nhường ấy đã kích cho tôi trở nên khiếp đảm đến không kìm nén nổi. Dẫu thế, tôi vẫn dằn lòng đứng im thêm vài phút nữa. Nhưng tiếng đập cứ to nữa, to nữa! Tôi cứ đinh ninh quả tim sẽ vỡ tung ra. Và giờ thì một nỗi lo mới xâm chiếm lấy tôi - cái âm thanh đó sẽ bị hàng xóm nghe thấy mất! Số lão đã tận rồi! Với một tiếng thét lớn, tôi mở toang cây đèn và nhào vào trong phòng. Lão rú lên một tiếng - đúng một tiếng. Tôi lập tức lôi lão xuống sàn, và kéo cái giường nặng trịch đè lên người lão. Thế rồi, khi thấy mình đã làm được đến đây, tôi mỉm cười khoái trá. Nhưng suốt nhiều phút liền, quả tim vẫn nghèn nghẹt phát tiếng đập. Tuy nhiên, tôi không khó chịu gì với chuyện ấy; sẽ chẳng ai nghe nổi nó qua bức tường đâu. Một hồi sau, nó dứt hẳn. Lão già đã chết. Tôi nhấc giường ra và kiểm tra cái xác. Vâng, lão đã chết ngắc, chết ngắc thật rồi. Tôi đặt tay lên trái tim và giữ nó ở đó trong nhiều phút. Không có nhịp đập. Lão đã chết ngắc. Con mắt của lão sẽ không gây phiền nhiễu gì cho tôi nữa.

Vẫn nghĩ tôi mất trí ư? Cứ nghe tôi tả những chiêu trò tinh khôn mình đã thực hiện để giấu cái thây là ngài sẽ không nghĩ như vậy nữa đâu. Đêm dần tàn, và tôi hối hả hành sự, nhưng trong im lặng.

Tôi cạy ba tấm ván sàn trong phòng lên, và nhồi cả cái xác vào giữa những thanh đòn. Sau đó, tôi lắp chỗ ván lại một cách đầy khéo léo, đầy gian xảo, đến độ sẽ chẳng con mắt người trần nào - kể cả mắt của lão -phát hiện ra nổi sự bất thường cả. Không có gì cần chùi rửa - không một vết ố, vết máu nào hết. Tôi cẩn thận lắm, lọt sao được? Một cái chậu đã hứng gọn cả rồi - ha ha!

Lúc tôi giải quyết xong xuôi mọi chuyện thì đã là bốn giờ - trời vẫn tối mịt như nửa đêm. Ngay lúc tiếng chuông điểm giờ vang lên, ngoài cửa chính xuất hiện tiếng gõ. Tôi xuống mở nó với một tâm thái vô tư lự - vì bây giờ tôi còn phải sợ gì nữa đâu? Ba người đàn ông bước vào, hết sức nhẹ nhàng tự giới thiệu rằng mình là cảnh sát. Có vị hàng xóm nào đấy đã nghe thấy một tiếng thét giữa đêm. Người kia nghi có chuyện chẳng lành và đã báo lên đồn, và họ (các sĩ quan) đã được phái đến để lục soát nhà.

Tôi mỉm cười - vì tôi còn phải sợ gì nữa đâu? Tôi đon đả mời họ vào. Tôi bảo tiếng thét ấy là do bản thân bị mộng mị phát ra. Tôi nói thêm rằng lão già đã về quê có việc. Tôi dẫn mấy vị khách đi khắp nhà. Tôi mời họ lục soát - lục soát cho kỹ vào. Một hồi sau, tôi dẫn họ đến phòng lão. Tôi trưng của nả của lão ra cho họ xem, bấy giờ vẫn được cất giữ an toàn, không suy chuyển. Được cảm giác tự tin làm cho phấn khích hẳn, tôi còn mang cả ghế vào phòng, và mời họ ngồi nghỉ ngay đấy cho đỡ mệt, đồng thời tự kê ghế mình lên ngay trên cái chỗ chứa xác. Thắng lợi trọn vẹn đã khiến tôi trở nên táo bạo ngông cuồng.

Các sĩ quan lấy làm hài lòng. Phong thái của tôi đã thuyết phục được họ. Tôi bình thản dị thường. Họ ngồi, và trong khi tôi vui vẻ trả lời, họ đem những đề tài quen thuộc ra tán gẫu. Nhưng chẳng mấy chốc, tôi cảm thấy mệt và chỉ muốn họ về hộ cho. Đầu tôi nhức bưng bưng, và tôi thấy trong tai như có tiếng gì ù ù; nhưng họ vẫn ngồi trơ ra, vẫn chuyện trò. Tiếng ù ù trở nên rõ ràng hơn - nó tiếp tục vang vọng và ngày một thêm rõ rệt. Tôi mạnh miệng tiếp chuyện hơn để rũ bỏ cái cảm giác kia, nhưng nó vẫn không ngừng và càng lúc càng rạch ròi - cho đến khi, một hồi sau, tôi phát hiện ra rằng tiếng ồn đó không nằm trong tai mình.

Bấy giờ tôi tái mét hẳn đi; nhưng tôi lại càng ăn nói trôi chảy, và giọng tôi càng nghe hưng phấn tợn. Nhưng cái tiếng kia cứ ồn thêm, và tôi biết làm gì đây? Đó là một âm thanh trầm, ù ù, gấp gáp - khá giống tiếng một chiếc đồng hồ bị bọc trong bông. Tôi thở hổn hển, ấy nhưng các sĩ quan không nghe thấy nó. Tôi nói liến thoắng hơn, sôi nổi hơn; nhưng cái tiếng kia cứ đều đặn tăng âm. Tôi đứng dậy và tranh cãi về những chuyện nhỏ mọn, tông giọng the thé và khua chân múa tay; nhưng cái tiếng kia cứ đều đặn tăng âm. Sao họ lỳ thế nhỉ? Tôi nặng nề sải bước qua lại trên sàn, như thể đang phát bực trước những nhận định của mấy người đấy, nhưng cái tiếng kia cứ đều đặn tăng âm. Ôi Chúa ơi! Tôi còn làm được gì nữa đây? Tôi sùi bọt mép, tôi nói như mê sảng, tôi thề thốt! Tôi xoay chiếc ghế mình ngồi lại, cạ nó trên những tấm ván, nhưng cái tiếng ấy vẫn lấn át tất cả và ngày một ồn ã. Nó vang to nữa, to nữa, to nữa! Thế mà đám người kia vẫn tươi cười chuyện trò vui vẻ. Chẳng lẽ họ không nghe thấy ư? Lạy Chúa toàn năng! Không, không! Họ nghe thấy rồi! Họ ngờ rồi! Họ biết rồi! Họ đang móc mỉa cơn hãi hùng của tôi! Tôi tin thế, và giờ vẫn vậy. Không một thứ gì có thể tệ hơn cơn thống khổ này! Không một thứ gì có thể ngoài sức chịu đựng hơn màn nhạo báng này! Tôi không thể chịu đựng những nụ cười đạo đức giả đó nữa! Tôi cảm thấy mình sẽ lăn đùng ra chết nếu không gào lên! Và bây giờ… lại nữa! Nghe mà xem! To nữa! To nữa! To nữa! To nữa!

“Quân ác ôn!” Tôi rú lên. “Đừng trí trá nữa! Tôi xin thú tội! Cậy ván lên đi! Đây này, đây này! Chính là tiếng trái tim gớm guốc của lão đập đấy!” 


Cùng dấn sâu vào dòng giả tưởng với tác phẩm mới nhất của Bookism tại đây bạn nhé.

↓   ↓


TAGS :

Edgar Allan Poe