16/05/2023
Ray Bradbury (22/08/1920 – 05/06/2012), tên đầy đủ là Ray Douglas Bradbury, là một tác giả kiêm nhà biên kịch người Mỹ. Ông nổi tiếng nhất với tác phẩm tiểu thuyết Dystopia 451 độ F (1953), và các bộ tuyển tập truyện ngắn khoa học viễn tưởng và kinh dị, The Martian Chronicles (1950) và The Illustrated Man (1951). Năm 2012, lúc ông qua đời, tờ New York Times đã nói Bradbury là "nhà văn có công lớn nhất trong việc đưa khoa học viễn tưởng hiện đại gia nhập thế giới văn chương chính thống."
Bradbury sinh vào ngày 22/08/1920, tại Waukegan, Illinois. Hồi nhỏ ông sống cùng với một gia đình lớn, và thường được cô đọc truyện ngắn cho nghe. Giai đoạn tuổi thơ này về sau trở thành nền móng cho các câu chuyện của ông. Trong các tác phẩm của Bradbury, Waukegan giai đoạn thập niên 1920 trở thành "Green Town", Illinois.
Gia đình Bradbury chuyển đến Los Angeles năm 1934. Lúc đó nhà ông chỉ có $40, và phải chật vật sinh sống cho đến khi bố ông kiếm được việc mới tại một công ty truyền hình cáp.
Bradbury theo học trường Trung học Phổ thông Los Angeles và hoạt động rất tích cực trong câu lạc bộ kịch. Ông thường trượt patanh qua khu Hollywood để hi vọng gặp được người nổi tiếng. Lần đầu tiên Bradbury kiếm được tiền nhờ việc viết là bán lại quyền sử dụng một câu đùa cho George Burns, một ngôi sao đài phát thanh, lúc ông mới 14 tuổi.
Bradbury là bạn thân của Charles Addams, và Addams đã vẽ hình minh họa cho các câu chuyện về gia đình Elliotts của Bradbury. Addams và ông có kế hoạch làm các dự án khác lớn hơn cùng nhau, nhưng kết quả không đi đến đâu cả.
Ông còn là bạn thân với họa sĩ hoạt hình Ray Harryhausen, phù rể ở đám cưới của Bradbury. Hai người gặp nhau lần đầu năm 18 tuổi. Họ cùng chung niềm đam mê với khoa học viễn tưởng, King Kong, và bộ phim The Fountainhead. Sau lần gặp gỡ đầu tiên ấy, họ tháng nào cũng gặp nhau ít nhất một lần, kéo dài suốt 70 năm liền.
Bradbury bị đột quỵ vào năm 1999, khiến ông đi đứng khó khăn. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục viết, và trước khi mất một tuần còn viết một bài cho tờ New Yorker, kể về cảm hứng viết lách của mình. Bradbury thường xuyên xuất hiện tại các hội nghị khoa học viễn tưởng cho đến tận năm 2009.
Năm 1939, Bradbury viết kịch bản và đóng một vài vở kịch. Các vở kịch Bradbury viết hồi đó tệ đến mức ông bỏ viết kịch suốt hai năm liền. Tác phẩm đầu tiên Bradbury được trả tiền nhuận bút, "Pendulum", được xuất bản trong tạp chí Super Science Stories vào tháng 11/1941, mang lại cho ông $15. Bradbury trở thành nhà văn toàn thời gian vào năm 24 tuổi. Tuyển tập truyện ngắn đầu tiên của ông, Dark Carnival, được Arkham House xuất bản năm 1947.
Sau khi bị Weird Tales từ chối bản thảo tác phẩm "Homecoming," Bradbury gửi bản thảo sang cho tạp chí Mademoiselle. Truyện của ông ban đầu được để vào chồng không được xuất bản, nhưng một trợ lý biên tập tên Truman Capote phát hiện ra bản thảo của Bradbury, và nhờ đó mà truyện của ông được đem in. Homecoming về sau thắng giải O. Henry 1947 cho tác phẩm hay nhất.
Tại thư viện Powell của UCLA, trong một phòng cho thuê máy đánh chữ, Bradbury viết cuốn tiểu thuyết kinh điển về tương lai sách vở bị đốt cháy hết, cuốn The Fireman, dài khoảng 25,000 từ. Về sau nó được viết dài thành 50,000 từ và xuất bản dưới cái tên 451 độ F.
Trong giai đoạn này ông hay dành thời gian ở thư viện Carnegie tại Waukegan, đọc về các tác giả như H. G. Wells, Jules Verne, và Edgar Allan Poe. Năm 12 tuổi, Bradbury bắt đầu viết các câu chuyện kinh dị theo phong cách của Poe cho đến khi ông khoảng 18 tuổi. Ông còn thích Edgar Rice Burroughs, tác giả Tarzan of the Apes, đặc biệt là series John Carter of Mars của ông. Tác phẩm Warlord of Mars làm ông thấy ấn tượng đến mức năm 12, ông tự viết phần hai cuốn truyện đó. Bradbury còn hay nghe chương trình phát thanh Chandu the Magician, và đêm nào cũng vậy, mỗi khi chương trình ngưng phát sóng, ông lại ngồi viết lại toàn bộ kịch bản từ trí nhớ.
Hồi ở Beverly Hills, ông hay đến thăm người thầy đồng thời cũng là người bạn của mình, nhà văn khoa học viễn tưởng Bob Olsen, chia sẻ các ý tưởng với ông và giữ liên lạc. Năm 17 tuổi, Bradbury bắt đầu đọc các câu chuyện đăng tải trong tạp chí Astounding Science Fiction, và đọc mọi tác phẩm của Robert A. Heinlein, Arthur C. Clarke, và Theodore Sturgeon cùng A. E. van Vogt. Bradbury nói H. G. Wells và Jules Verne là những tác giả khoa học viễn tưởng có sức ảnh hưởng lớn nhất đối với mình. Bradbury thừa nhận rằng ông ngưng đọc truyện khoa học viễn tưởng trong giai đoạn từ sau 20 tuổi và bắt đầu đọc nhiều dòng văn khác hơn, bao gồm Alexander Pope và John Donne.
Cùng dấn sâu vào dòng giả tưởng với tác phẩm mới nhất của Bookism tại đây bạn nhé.
↓ ↓