Danh mục blog

Cyberpunk là gì: khái niệm, nguồn gốc và ví dụ

Cyberpunk là một chi phụ rất nổi tiếng của khoa học viễn tưởng. Đặc biệt trong những năm gần đây, càng ngày càng có nhiều tác phẩm thuộc dòng này xuất hiện trên thị trường, cả ở phim ảnh, truyện tranh, truyện chữ, lẫn cả những lĩnh vực tưởng chừng rất không liên quan như thời trang. Vậy Cyberpunk là gì? Cùng Bookism bọn mình tìm hiểu nhé.

1) Định nghĩa của Cyberpunk

Cyberpunk có thể tóm gọn trong một câu: “High tech - low life.”

Nghe hơi khó hiểu nhỉ? Để bọn mình giải thích cụ thể nhé.

“High tech” là công nghệ cao. Các tác phẩm Cyberpunk có yếu tố high tech vì thường lấy bối cảnh tương lai, khi công nghệ khoa học đã phát triển rất mạnh mẽ, và có những thứ thiết bị có thể làm được những điều hết sức phi thường, chẳng hạn tải bộ não xuống cơ thể mới, dịch chuyển vật thể tức thời, trí tuệ nhân tạo thông minh như người…

“Low life” tức là cuộc đời bần hàn. Các tác phẩm Cyberpunk có yếu tố bần hàn vì chúng hay tập trung vào mặt trái của công nghệ, và những tác động tiêu cực tiềm tàng của nó đến với xã hội. Chẳng hạn việc tải não được xuống cơ thể mới sẽ gây bùng nổ dân số, công nghệ dịch chuyển tức thời cần sử dụng một nguyên liệu hiếm và thế nên xảy ra chiến tranh tài nguyên,…

2) Lịch sử xuất hiện

Cyberpunk có nền tảng là phong trào New Wave của khoa học viễn tưởng, giai đoạn những năm 1960s và 70s. Giai đoạn đó, tờ New Worlds, một tạp chí chuyên đăng truyện ngắn Sci Fi, bắt đầu khuyến khích các nhà văn sử dụng những lối viết mới, những kỹ thuật mới, và những mô típ mới. Rất nhiều nhà văn hưởng ứng, tạo thành một phong trào có tên New Wave, và trong số đó một số người viết về các thế giới nơi công nghệ khiến cho xã hội đảo lộn, tạo ra những tương lai đậm chất Dystopia. Phong cách viết ấy được đánh giá là giúp khoa học viễn tưởng trở nên "thật" hơn, và ngày một được ưa chuộng.

Nhưng phải đến năm 1983, khi Bruce Bethke viết một truyện ngắn có tên Cyberpunk, đăng trên tờ Amazing Stories, thì dòng văn này mới chính thức có tên tuổi. Thuật ngữ này được Gardner Dozois, chủ bút tạp chí Asimov's Science Fiction, giúp làm cho trở nên nổi tiếng.

3) Đặc trưng của Cyberpunk

- Bối cảnh

Cyberpunk thường vay mượn các yếu tố từ văn học trinh thám, đặc biệt là trinh thám đen (noir), để miêu tả mặt tối của một xã hội công nghệ cao. Cách nhìn đời tiêu cực của dòng văn này trái ngược hẳn với cách nhìn đời tươi sáng của Sci Fi trong giai đoạn 1940s và 1950s. Các thế giới của Cyberpunk đều đầy rẫy sự thối nát, tham nhũng, sa đọa, tất cả đều khởi nguồn từ công nghệ. Các tập đoàn khổng lồ thường sẽ đóng vai nhân vật phản diện, thay thế chính phủ nắm quyền điều khiển thế giới, cả về chính trị, kinh tế lẫn quân sự.

Trong một số tác phẩm Cyberpunk, câu chuyện chủ yếu lấy bối cảnh online, trong một không gian mạng, xoá nhoà ranh giới giữa thực tại và thế giới ảo. Tường các tác phẩm như vậy sẽ có đề cập đến sự gắn kết giữa bộ óc người và các hệ thống máy tính.

- Nhân vật

Một trong những mô típ nhân vật kinh điển nhất của Cyberpunk là Case, nhân vật chính trong tiểu thuyết Neuromancer của Gibson. Case là một thiên tài hacker, bị tổ chức tội phạm của mình phản bội, và sa lầy xuống đáy bùn tăm tối. Nhưng rồi Case bất ngờ có được cơ hội khôi phục cuộc đời nếu thực hiện một phi vụ hết sức nguy hiểm.

Giống Case, hầu hết các nhân vật chính trong Cyberpunk đều bị hoàn cảnh xô đẩy vào đường cùng, và không còn lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận một đề nghị hết sức mờ ám hoặc/và nguy hiểm. Ngay cả khi thực hiện xong nhiệm vụ được giao, chưa chắc họ sẽ được nhận một cái kết có hậu. Họ là những anti-hero, những kẻ tội phạm, những kẻ bị xã hội ruồng bỏ, những kẻ thất vọng với cuộc đời, những kẻ nổi loạn. Chính họ là người hình thành nên chất "punk" của Cyberpunk.

4) Một số ví dụ về Cyberpunk

  • Văn học
    • Neuromancer của William Gibson
    • Snow Crash của Neal Stephenson
    • Altered Carbon của Richard K. Morgan
    • Do Androids Dream of Electric Sheep? của Philip K. Dick
    • The Stars My Destination của Alfred Bester
  • Điện ảnh
    • Blade Runner của Ridley Scott
    • Ma trận của anh em Wachowskis
    • Total Recall của Paul Verhoeven
    • Altered Carbon của Laeta Kalogridis
    • RoboCop của Paul Verhoeven
  • Anime và manga
    • Akira của Katsuhiro Otomo
    • Battle Angel Alita của Yukito Kishiro
    • Ergo Proxy của Shukō Murase
    • Psycho-Pass của Naoyoshi Shiotani và Katsuyuki Motohiro
    • Ghost in the Shell của Masamune Shirow
  • Game
    • Cyberpunk 2077 của CD Projekt RED
    • Deus Ex của Eidos Montréal
    • System Shock của Looking Glass Technologies
    • Remember Me của Dontnod Entertainment
    • Observer của Bloober Team

Cùng dấn sâu vào dòng giả tưởng với tác phẩm mới nhất của Bookism tại đây bạn nhé.

↓   ↓


TAGS :

Kiến thức thú vị