25/05/2023
---
Thay vì để tôi qua đêm ngoài trời trong tình trạng bị thương nặng, cậu người hầu của tôi đã đánh liều cạy cửa một trang viên u uẩn pha lẫn uy nghiêm, kiểu công trình xưa cũ ta hay thấy đứng sa sầm mặt mày giữa Dãy Appennini, cả ngoài đời thực lẫn trong các tác phẩm của Radcliffe*. Có vẻ nó mới chỉ tạm bị bỏ hoang gần đây thôi. Chúng tôi vào trú trong phòng nhỏ nhất cũng như bày biện mộc mạc nhất. Nó nằm trong một tòa tháp biệt lập của tòa nhà, trang hoàng với nhiều món đồ sang trọng, song đều tả tơi và rất cổ. Điểm tô trên tường là những tấm trướng cùng muôn loại gia huy, kèm một lượng tranh ảnh hiện đại nhiều đến bất thường. Trông mớ tranh hết sức sinh động, với các bộ khung vàng trang trí uốn lượn đầy lộng lẫy viền quanh. Không chỉ được treo tại khoảng tường chính, các bức họa còn náu mình trong vô vàn ngóc ngách của trang viên - một thành phẩm tất yếu nảy sinh từ kiểu kiến trúc kỳ lạ ở nơi này. Có lẽ vì đang dần rơi vào mê sảng, tôi trở nên đặc biệt quan tâm đến mấy bức tranh ấy. Thế là tôi bảo Pedro đóng hết những cánh cửa chớp nặng nề của căn phòng lại (bởi đêm đã buông), châm lửa thắp nến trên một cái giá cao đặt sát đầu giường, và mở tung những tấm rèm nhung đen đính tua bao quanh giường. Tôi yêu cầu làm vậy để nếu không ngủ được thì ít nhất cũng sẽ có thể vừa chiêm ngưỡng tranh, vừa nghiên cứu một cuốn sách nhỏ. Tôi tìm thấy cuốn sách này trên gối, và nội dung của nó xem chừng là phê bình cũng như mô tả các bức tranh.
Tôi chúi mũi đọc rất, rất lâu, đồng thời cũng nhìn ngắm đầy chăm chú, mê mẩn. Bao tiếng tuyệt vời vùn vụt trôi qua, và nửa đêm thâm trầm kép đến. Tôi không ưng vị trí đặt giá nến, và thay vì làm phiền cậu người hầu đang say ngủ của mình, tôi khó nhọc vươn tay ra, chỉnh nó cho chiếu thêm nhiều ánh sáng hơn lên sách.
Nhưng hành động đó gây ra một hiệu ứng hết sức bất ngờ. Ánh sáng tỏa ra từ hàng đống nến (trên giá cắm nhiều ngọn lắm) đã rọi vào một góc phòng nãy giờ bị một cột giường hắt bóng che khuất. Nhờ nguồn sáng rực chói ấy, tôi nhìn ra một bức tranh mình chưa từng để ý thấy. Đó là chân dung của một cô gái vừa vào độ trưởng thành. Tôi liếc vội bức tranh rồi nhắm tịt mắt vào. Mới đầu đến chính bản thân tôi cũng chẳng hiểu tại sao mình lại làm thế. Nhưng trong khi mí mắt vẫn nhắm nghiền, tôi ngẫm nghĩ về nguyên cớ mình nhắm chúng. Đó là một hành động bộp chộp nhằm kiếm thêm thời giờ suy tư, nhằm đảm bảo tôi không nhìn nhầm, nhằm xoa dịu và cho đầu óc lắng xuống để có một cái nhìn tỉnh táo và chắc chắn hơn. Vài giây sau, tôi lại chăm chú săm soi bức tranh.
Vì giờ đã quan sát được một cách chuẩn xác, tôi chẳng thể đồng thời cũng chẳng muốn nghi ngờ thứ mình trông thấy nữa. Khi mấy cây nến vừa soi lên bức vẽ, cơn mụ mẫm mơ màng bấy giờ đang khẽ khàng xâm chiếm các giác quan của tôi đã bị xua tan ngay, khiến tôi tức thì giật mình bừng tỉnh.
Như tôi đã nói, tranh khắc họa một cô gái trẻ. Nó chỉ bao gồm đầu và vai, được vẽ theo phong cách bán thân mờ; hệt như những bức chân dung yêu thích của Sully*. Cánh tay, ngực, và thậm chí cả phần đuôi mái tóc óng ả đều hòa vào mảng nền tối mờ song vẫn sâu thăm thẳm một cách đầy tinh tế. Khung tranh có dạng ôvan, được mạ vàng lộng lẫy và khảm họa tiết kiểu Marốc. Xét trên bình diện nghệ thuật, bức tranh là một tác phẩm tuyệt diệu không gì sánh bằng. Nhưng cả cách tạo tác này được vẽ lẫn nhan sắc vĩnh hằng của khuôn mặt trong tranh đều chẳng phải lý do tôi đột ngột rúng động mạnh đến vậy. Đặc biệt, không thể có chuyện tâm trí tôi lầm tưởng đó là đầu một người còn sống do vừa bị lôi ra khỏi trạng thái nửa mê nửa tỉnh được. Tôi đã tức khắc nhận ra những nét khác thường về bức họa, nhận ra hiệu ứng mờ viền, thấy cả khung tranh nữa, và hẳn đã gạt phắt ý nghĩ ấy ra khỏi đầu - thậm chí còn chẳng buồn suy xét đến nó chút nào luôn. Suốt tầm một tiếng gì đó, tôi nửa ngồi nửa nằm, đăm chiêu ngẫm ngợi về những điểm trên, mắt dán chặt vào bức chân dung. Cuối cùng, khi đinh ninh mình đã hiểu rõ nguyên nhân nó khơi dậy một ấn tượng như thế, tôi ngả người xuống giường. Chính vẻ chân thực tột cùng của tranh đã hớp hồn tôi; khiến tôi thoạt tiên giật nảy mình, thế rồi chuyển sang hoang mang, tĩnh tâm lại, và rốt cuộc là thất kinh rụng rời. Với lòng kính sợ đầy sâu sắc, tôi đặt giá nến về chỗ cũ. Sau khi đã giấu biệt nguồn cơn sự kích động của mình đi như vậy, tôi hăm hở vớ lấy cuốn sách bàn về các bức tranh cũng như lịch sử của chúng. Tôi mở trang dành cho bức chân dung hình ôvan, và đọc thấy trong đó một nội dung vừa mập mờ, vừa kỳ lạ như sau:
“Nàng là một thiếu nữ diễm lệ hiếm ai bì nổi, nghìn phần duyên dáng vạn phần tươi vui. Và đáng nguyền rủa thay cái thời khắc nàng gặp gỡ, phải lòng, rồi kết hôn với chàng họa sĩ ấy. Chàng, một con người đầy đam mê, cần cù, khắc khổ, và đã hiến dâng trọn đời cho Nghệ Thuật; nàng, một thiếu nữ diễm lệ hiếm ai bì nổi, nghìn phần duyên dáng vạn phần tươi vui, luôn luôn vui vẻ, luôn luôn tươi cười, và nô giỡn như một chú nai con. Nàng yêu mến và trân trọng vạn vật, không căm hận ai ngoài kẻ tình địch mang tên Nghệ Thuật, không hãi sợ gì ngoài tấm bảng màu cùng cây cọ và các họa cụ xấc xược khác, những thứ khiến nàng không được nhìn ngắm dung mạo đức lang quân. Do đó, nàng đến nẫu cả ruột khi nghe chàng họa sĩ thổ lộ khao khát được đem chính hôn thê trẻ của mình ra làm mẫu vẽ. Dẫu vậy, nàng vẫn nhu mì vâng lời, và lẳng lặng ngồi hàng tuần liền trong gian phòng tăm tối của tòa tháp cao, nơi ánh sáng chỉ chiếu từ trên cao xuống tấm vải bố nhợt nhạt. Nhưng riêng chàng họa sĩ thì lại vô cùng sung sướng với công việc của mình, cứ miệt mài hết giờ này sang giờ khác, từ ngày này sang ngày khác.
Chàng là một con người hừng hực nhiệt huyết, ngang tàng, tính khí thất thường, và đã đắm chìm trong các mộng tưởng đến quên trời quên đất. Bởi thế nên chàng chẳng nhận ra thứ ánh sáng ghê rợn soi chiếu xuống tòa tháp lẻ loi đó đã bòn rút cả thể xác lẫn tinh thần hôn thê mình. Nàng tiều tụy thấy rõ, nhưng mắt chàng cứ như mù. Song nàng vẫn mỉm cười, cười mãi, không chút phàn nàn, vì nàng thấy chàng họa sĩ (một nhân vật rất tiếng tăm) làm việc với một niềm hoan lạc sôi sục và cháy bỏng, ngày đêm lao lực nhằm khắc họa người phụ nữ yêu mình say đắm, dẫu đang càng lúc càng thêm suy nhược và yếu ớt. Trên thực tế, ai nhìn vào bức chân dung cũng đều trầm trồ trước sự tương đồng giữa nó và nguyên mẫu, thì thầm như thể đang chiêm ngưỡng một kỳ quan phi thường. Đây vừa là minh chứng cho tài năng của chàng họa sĩ, vừa bộc lộ tình cảm sâu đậm chàng dành cho người con gái đã được mình lột tả hết sức điêu luyện.
Nhưng về sau, lúc tạo tác đã sắp hoàn thiện, chẳng ai được phép đặt chân vào tòa tháp nữa. Hăng say lao động đã khiến chàng họa sĩ hóa rồ, hiếm khi nào rời mắt khỏi bức vẽ nữa, dù chỉ để nhìn ngắm dung nhan vợ. Và chàng chẳng hề nhận thấy sắc màu mình bôi phết trên tấm vải được bòn rút từ chính đôi má cô gái ngồi kề cận. Hàng bao tuần sau, khi chẳng còn gì cần làm ngoài lia một đường cọ lên miệng và điểm một chút sắc lên mắt, khí lực nàng thiếu nữ lại leo lét bừng lên như ngọn lửa trong đui đèn.
Thế rồi nhát cọ được quẹt, và sắc màu được tô; và chàng họa sĩ thoáng đứng mê mẩn trước thành quả mồ hôi nước mắt của mình. Nhưng chỉ tích tắc sau, trong khi mắt vẫn chưa rứt khỏi bức họa, chàng bắt đầu run lẩy bẩy và tái nhợt cả đi; một cơn khiếp hãi ập đến, và chàng gào tướng lên ‘Thứ này mang Hồn Sống!’ trước khi quay ngoắt lại nhìn người thương.
Nàng đã lạnh ngắt tự bao giờ!”
---
Cùng dấn sâu vào dòng giả tưởng với tác phẩm mới nhất của Bookism tại đây bạn nhé.
↓ ↓