Danh mục blog

5 nghịch lý du hành thời gian “khó nhằn” nhất thế giới

Các nghịch lý du hành thời gian thường được chia thành hai loại, bao gồm 1) Nghịch lý vòng lặp (một vòng lặp nguyên nhân – hậu quả không có điểm dừng hay bắt đầu), và 2) Nghịch lý nhất quán (dòng thời gian xuất hiện những điểm phi lôgic). Trong số 2 hạng mục này, phổ thông nhất là Nghịch lý Tiền định, Nghịch lý Vòng lặp Nhân quả, Nghịch lý Ông nội, Nghịch lý Hitler, và Nghịch lý Polchinski. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về 5 nghịch lý đó.

1) Nghịch lý Tiền định (Predestination Paradox)

Nghịch lý Tiền định xảy ra khi những hành động do một người quay trở về quá khứ thực hiện trở thành một phần cố hữu của quá khứ, và về sau khiến cho các sự kiện trong tương lai/hiện tại xảy ra đúng như nó đã/sẽ xảy ra. Đây được gọi là ‘vòng lặp nhân quả,’ với Sự kiện 1 trong quá khứ tác động lên Sự kiện 2 trong tương lai (du hành thời gian về quá khứ), và Sự kiện 2 đó là tác nhân giúp đảm bảo Sự kiện 1 sẽ xảy ra, tạo thành một tuyến thời gian bất biến, khiến cho lịch sử không thể bị nhà du hành thời gian thay đổi. Nghịch lý này cho thấy rằng tất cả mọi sự trên đời đều đã an bài sẵn, và bất cứ chuyện gì phải xảy ra cũng sẽ xảy ra.

Nghe thì có vẻ phức tạp, thế nên để bọn mình lấy ví dụ như thế này: bạn bị xe đâm què chân, phải nằm viện mất một tháng. Để tránh cho mình bị xe đâm, bạn lấy máy thời gian quay trở lại quá khứ. Nhưng bất ngờ thay, khi ở trong quá khứ, bạn phát hiện ra rằng mình chính là người đã đâm què chân bản thân. Chính nỗ lực thay đổi quá khứ của bạn đã khiến cho quá khứ diễn ra như thế. Nói cách khác, bạn đã tự tạo ra một nghịch lý tiền định. Ngoài ra còn có bộ phim The Time Machine (2002), kể về công cuộc cứu người yêu của tiến sĩ Alexander Hartdegen. Khi biết vợ gặp cướp và bị giết, ông xây máy thời gian để quay trở về quá khứ để ngăn điều ấy xảy ra. Nhưng bất kể quay lại lần nào, ông cũng vẫn phải để cho vợ chết. Thế rồi, sau khi du hành đến tương lai để xem có ai nghĩ ra cách giải quyết nghịch lý ấy chưa, Hartdegen được một người tương lai bảo là:

“Ông chế tạo máy thời gian bởi vì Emma phải chết. Nếu bà ấy mà sống, cỗ máy thời gian sẽ chẳng bao giờ ra đời, mà nếu thế thì ông làm sao quay trở về quá khứ mà cứu bà ta được?”

Nếu muốn xem thêm các ví dụ khác về Nghịch lý Tiền định, bạn có thể tham khảo các bộ phim như 12 Monkeys (1995), TimeCrimes (2007), The Time Traveller’s Wife (2009) , và Predestination (2014).

2) Nghịch lý Bootstrap (Bootstrap Paradox)

Nghịch lý Bootstrap là khi một vật thể, một người, hay một thông tin gì đó được gửi về quá khứ, và rồi nó tạo ra một vòng lặp bất tận, khiến cho ta không thể xác định được nguồn gốc thứ được gửi về, và nó sẽ tồn tại mặc dù chưa bao giờ từng được tạo ra. Nó còn được biết đến với cái tên Nghịch lý Bản thể (Ontological Paradox), bởi vì bản thể luận là một chi của triết học xoay quanh bản chất của sự vật, hay của sự tồn tại.

Giả sử George Lucas quay trở về quá khứ để đưa kịch bản series phim Star War hoàn chỉnh cho chính bản thân mình, và sau đó ông ta dựng phim dựa trên đó thì sẽ tạo thành một Nghịch lý Bootstrap liên quan đến thông tin. Nếu ông ta không phải viết kịch bản vì chính bản thân mình đã đưa lại cho mình một kịch bản hoàn chỉnh, thế thì ai là người nghĩ ra cái kịch bản ấy? Thêm một ví dụ khác là nếu một nhà du hành thời gian 20 tuổi quay trở về quá khứ 21 năm trước, làm một người phụ nữ có thai, và một năm sau người phụ nữ ấy hạ sinh một đứa con, và đứa con ấy chính là nhà du hành thời gian hồi trước. Nhà văn khoa học viễn tưởng Robert Heinlein đã từng viết một truyện ngắn kinh điển năm 1959 về nghịch lý ấy, có tên là “All You Zombies”.

Bạn có thể tìm hiểu thêm về Nghịch lý Bootstrap trong các phim như Somewhere in Time (1980), Bill and Ted’s Excellent Adventure (1989), series Terminator, và Time Lapse (2014).

3) Nghịch lý Ông nội (Grandfather Paradox)

Nghịch lý thời gian này khởi nguồn từ một ví dụ như sau: nếu bạn quay trở về quá khứ và giết chết ông nội mình thì đúng lý ra, bạn sẽ không bao giờ được sinh ra, và nếu đã không được sinh ra thì làm sao có thể quay trở về quá khứ để giết ông được?

Thường thì trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng, nếu có ai định thực hiện hành động nào khiến cho Nghịch lý Ông nội xảy ra, một trong hai khả năng sau sẽ xảy ra:

Hành động đó sẽ không thể được thực hiện: Bạn quay trở về quá khứ, tìm gặp ông mình, và chĩa súng vào đầu ông. Bạn bóp cò, nhưng súng không khai hỏa vì đạn bị kẹt hay sao đó. Nếu chĩa súng đi chỗ khác thì bắn bình thường. Chĩa vào người ông thì kẹt cứng. Bạn thử sử dụng phương pháp khác, nhưng cùng lắm thì chỉ có thể làm ông bị thương, nhưng không thể chết được.

Tạo ra các vũ trụ song song: Bạn quay trở về quá khứ, tìm gặp ông mình, và chĩa súng vào đầu ông. Bạn bóp cò, và đoàng! Ông của bạn lăn ra chết. Bạn quay trở về “thời hiện tại,” nhưng phát hiện ra rằng mình chưa từng tồn tại ở đó. Tất cả mọi thứ liên quan đến bạn đều đã bị xóa hết, bao gồm gia đình bạn, bạn bè bạn, nhà cửa, tài sản,... Bạn đã bước vào một dòng thời gian nơi mình chưa bao giờ tồn tại. Nói cách khác, bạn đã tạo ra một dòng thời gian mới, hay bước vào một vũ trụ song song.

4) Nghịch lý Hitler (Hitler Paradox)

Đây là một nghịch lý khá tương đồng với Nghịch lý Ông nội. Nghịch lý Hitler xuất phát từ ví dụ bạn muốn quay trở về quá khứ để giết Hitler. Tuy nhiên, làm thế đồng nghĩa với việc xóa bỏ lý do quay trở về quá khứ của chính bạn. Ngoài ra, nếu chỉ giết mỗi ông nội mình thì thường “hiệu ứng cánh bướm” nó gây ra sẽ chỉ giới hạn trong một phạm vi hẹp (trừ khi bạn là ai đó nổi tiếng), giết Hitler sẽ có những tác động lớn hơn hẳn. Nhưng tạm chưa bàn đến việc đó, hãy nói về cái nghịch lý. Nếu thành công thì ngay từ đầu bạn đã chẳng có lý do gì để du hành thời gian rồi. Nếu giết được Hitler thì hắn sẽ chẳng thực hiện được hành động nào đủ kinh khủng để khiến cho bạn muốn quay trở về quá khứ và thay đổi lịch sử.

Ví dụ nổi tiếng nhất của nghịch lý này xuất hiện trong một tập của series phim Twilight Zone, có tên Cradle of Darkness. Ngoài ra còn có cả một tập phim Dr Who có tiêu đề ‘Let’s Kill Hitler’ nữa.

5) Nghịch lý Polchinski (Polchinski’s Paradox)

Nhà vật lý người Mỹ Joseph Polchinski từng nêu ra một nghịch lý thời gian như sau: một quả bóng chui vào lỗ sâu, và chui ra ở đầu bên kia, tại thời điểm quá khứ, vừa kịp lúc va vào phiên bản hồi trước của mình và ngăn không cho nó chui vào trong lỗ sâu. Nghịch lý Polchinski này rất được các nhà vật lý khác nghiêm túc cân nhắc. Đặc biệt là bởi nó dựa hoàn toàn trên các quy luật chuyển động, không dính dáng gì đến những thứ khó đo lường như ý chí tự do, thế nên giúp các nhà khoa học có thể nghiên cứu lời giải cho nghịch lý một cách lôgic hơn.

Đã có một số giả thuyết để giải quyết nghịch lý Polchinski đề xuất, chẳng hạn như việc quả bóng có va vào phiên bản hồi trước của mình, nhưng va không đủ mạnh để khiến cho nó không vào được trong lỗ sâu. Giải pháp này cũng giống với một trường hợp khả dĩ trong Nghịch lý Ông nội, đó là sẽ luôn xuất hiện một vấn đề gì đó ngăn không cho nghịch lý xảy ra.

Giải pháp cho các nghịch lý thời gian

Các nhà khoa học cũng như các nhà văn khoa học viễn tưởng đã đưa ra khá nhiều giải pháp để giúp giải quyết các nghịch lý du hành thời gian trên, trong đó bao gồm:

– Giả thuyết Bất khả thi: du hành thời gian là điều bất khả thi bởi vì nó sẽ tạo ra nghịch lý, mà nghịch lý là thứ không thể tồn tại được.

– Giả thuyết Tự phục hồi/Bảo toàn Dòng thời gian: nếu ta thay đổi một sự kiện nào đó trong quá khứ, lập tức sẽ có một số sự kiện khác xảy ra bù vào, đảm bảo rằng hiện tại không bị thay đổi.

– Giả thuyết Đa vũ trụ: mỗi lần có sự kiện nào trong quá khứ bị thay đổi, một vũ trụ song song hay dòng thời gian mới sẽ được tạo ra. Dòng thời gian/vũ trụ cũ sẽ vẫn tồn tại, song song với dòng thời gian/vũ trụ mới.

– Giả thuyết Dòng thời gian Bị xóa bỏ: mỗi lần một sự kiện trong quá khứ bị thay đổi, sẽ có một dòng thời gian mới được tạo ra, nhưng dòng thời gian cũ sẽ bị xóa mất, khiến cho chỉ tồn tại duy nhất một dòng thời gian.


Cùng dấn sâu vào dòng giả tưởng với tác phẩm mới nhất của Bookism tại đây bạn nhé.

↓   ↓


TAGS :

Kiến thức thú vị