Danh mục blog

Apocalypse/Post-Apocalypse (tận thế/hậu tận thế) là gì: định nghĩa và ví dụ

Tận thế (apocalypse) và hậu tận thế (post-apocalypse) bao gồm các tác phẩm nói về những thảm hoạ toàn cầu. Cốt truyện xoay quanh việc tìm cách ngăn chặn thảm hoạ xảy ra, hoặc những ảnh hưởng và hậu quả mà thảm hoạ kia gây ra.

Các chủ đề tận thế/hậu tận thế thường gặp

Các thảm hoạ ngày tận thế có thể lấy nguyên nhân tự nhiên, chẳng hạn biến đổi khí hậu bất chợt; các thảm hoạ nhân tạo, chẳng hạn chiến tranh hạt nhân; các thảm hoạ y tế, chẳng hạn như bùng phát đại dịch (nhân tạo hoặc tự nhiên); hoặc các thảm hoạ thuần tuý tưởng tượng như đại dịch zombie hoặc người ngoài hành tinh xâm lăng. Các chủ đề thường gặp khác bao gồm máy móc nổi dậy, thoái hoá giống nòi, môi trường sinh thái bị phá huỷ, cạn kiệt tài nguyên, điểm kỳ dị công nghệ (technological singularity).

Các tác phẩm thuộc dòng này có thể lấy bối cảnh trong lúc thảm hoạ đang diễn ra hoặc sắp diễn ra, tập trung vào phản ứng của con người trước ngày tận thế đang đến gần; hoặc ngay sau khi thảm hoạ xảy ra, tập trung vào những khó khăn trong sinh tồn hay chấn động tâm lý của những người sống sót, những cố gắng duy trì nòi giống hoặc nền văn minh; hoặc trong tương lai rất xa sau khi thảm hoạ đã diễn ra, và các nền văn minh cùng lịch sử giai đoạn trước thảm hoạ đã bị trôi vào quên lãng, hoặc trở thành huyền thoại. Đặc biệt, các truyện hậu tận thế thường hay lấy bối cảnh là một thế giới tương lai không có công nghệ, hoặc một thế giới với chỉ chút ít tàn dư công nghệ còn sót lại.

Các tác phẩm tận thế/hậu tận thế tiêu biểu thời đầu (trước năm 1900)

Tác phẩm The Last Man (1826) của Mary Shelley, thường được coi là tác phẩm thuộc thể loại tận thế hiện đại đầu tiên. Truyện kể về hành trình của một người tìm cách sinh tồn và bảo vệ gia đình trong một thế giới đã bị bệnh dịch tàn phá, nhưng rốt cuộc trở thành người cuối cùng của nhân loại sống sót.

Tiểu thuyết After London (1885) của Richard Jefferies là tác phẩm hậu tận thế đóng vai trò rất quan trọng cho việc hình thành dòng văn này. Sau khi nước Anh bị một thảm hoạ nào đó tàn phá, các vùng quê dần trở nên hoang dã và những người sống sót phải quay về sống cuộc đời Trung Cổ. Những chương đầu tiên tác giả dành riêng ra để tả cảnh thiên nhiên dần xâm lấn nước Anh: các cánh đồng biến thành rừng rậm, thú nuôi sống hoang, đường xá mọc đầy cỏ dại, các hồ nước và đầm lầy độc hại xuất hiện. Các chương sau viết theo lối truyện phiêu lưu thông thường, nhưng những chương đầu đã đặt nền móng để các truyện khoa học viễn tưởng cùng dòng sau này học tập.

H.G. Wells cũng đã viết vài tác phẩm với đề tài tận thế/hậu tận thế, và nổi tiếng nhất là Chiến tranh giữa các thế giới (1898). Truyện kể về Trái Đất bị người Sao Hoả xâm lăng. Vì đã có lần truyện được Orson Welles phát trên đài, gây náo loạn trên diện rộng, truyện trở thành một trong những tác phẩm tận thế/hậu tận thế nổi tiếng nhất từ trước đến nay.

Các tác phẩm tận thế/hậu tận thế tiêu biểu sau năm 1900

  • Người ngoài hành tinh
    • Trong cuốn tiểu thuyết ngắn giành giải The Screwfly Solution (1977) của Raccoona Sheldon, người ngoài hành tinh dùng một thứ chất lan truyền trong không khí có khả năng biến dục vọng của đàn ông thành ham muốn bạo lực để xoá sổ nhân loại.
    • Series truyện Hitchhiker's Guide (1979–2009, tập cuối do Eoin Colfer viết) của Douglas Adams châm biếm dòng văn này bằng cách cho Trái Đất nhiều lần bị phá huỷ để dành chỗ xây cổng không gian.
    • Trong tác phẩm The Urth of the New Sun (1987) của In Gene Wolfe, người ngoài hành tinh (hoặc loài người đã tiến hoá) tạo ra một lỗ trắng giữa lòng mặt trời để chống lại hiệu ứng xoá mờ của lỗ đen, những rốt cục gây là ấm lên toàn cầu và mực nước biển dâng lên giết hết tất cả.
  • Thiên văn
    • Trong tác phẩm When Worlds Collide (1933) của Philip Wylie và Edwin Balmer, Trái Đất bị hành tinh tự do (rogue planet) Bronson Alpha va phải và phá huỷ. Chỉ một nhóm nhỏ thoát được trên tàu vũ trụ.
    • Trong tiểu thuyết One in Three Hundred (1954) của J. T. McIntosh, các nhà khoa học xác định được chính xác ngày giờ mặt trời sẽ hoá siêu tân tinh, và khi đó nó sẽ làm bốc hơi hết tất cả đại dương, tiêu diệt mọi sự sống trên Trái Đất chỉ sau 24 tiếng. Tất cả cùng dồn sức chế tạo tàu vũ trụ để di tản nhân loại lên Sao Hoả.
    • Series Remnants (2001–2003) của K. A. Applegate kể về ngày tàn của thế giới khi bị thiên thạch đâm phải. Cuốn đầu tiên, The Mayflower Project (2001), tả cảnh hỗn loạn trên Trái Đất trong lúc NASA chọn ra 80 người để đưa lên tàu vũ trụ và phóng vào không gian, tránh xa hành tinh quê hương. Các cuốn còn lại kể về những người sống sót tỉnh dậy sau giấc ngủ đông 500 năm, bị đột biến cơ thể và tiếp xúc với một phi thuyền người ngoài hành tinh. Cuối cùng họ cũng về được Trái Đất và phát hiện ra một số nhóm nhỏ cộng đồng người vẫn đang tìm cách sinh tồn trên một Trái Đất khác xa ngày xưa.
  • Thảm hoạ nhẹ nhàng (cosy catastrophe)
    • Thuật ngữ “thảm hoạ nhẹ nhàng” dùng để chỉ các tác phẩm khoa học viễn tưởng hậu tận thế xuất hiện nhiều ở giai đoạn sau Thế Chiến II, đặc biệt trong giới văn sĩ khoa học viễn tưởng Anh. “Thảm hoạ nhẹ nhàng” thường diễn ra khi nền văn minh ta hằng biết bị chấm dứt, và tất cả mọi người ngoại trừ các nhân vật chính đều bị giết hết, và các nhân vật chính không còn bị trói buộc bởi những quy tắc luật lệ của nền văn minh cũ.
    • Trong tiểu thuyết Mecanoscrit del segon origen (1974) của nhà văn Tây Ban Nha Manuel de Pedrolo, hai đứa trẻ vô tình sống sót qua một vụ thảm sát của người ngoài hành tinh. Chúng quyết tâm duy trì văn hoá loài người và tái hồi sinh Trái Đất.
  • Thảm hoạ tư nhiên
    • Trong tác phẩm Adam and No Eve của Alfred Bester, một nhà phát minh bay ra ngoài Trái Đất bằng một tên lửa sử dụng chất xúc tác rất nguy hiểm. Khi lên đến vũ trụ, ông ta thấy toàn bộ thế giới bị chất xúc tác kia huỷ diệt. Sau khi tên lửa đâm xuống Trái Đất, ông ta bị trọng thương, và quyết định bò ra biển để các loài vi khuẩn trên cơ thể ông ta có thể sinh sôi và tái hồi sinh sự sống trên Trái Đất.
    • Trong tác phẩm The Burning World (1964) của J. G. Ballard, ô nhiễm biển đã tạo ra một lớp ngăn bốc hơi trên mặt biển, khiến cả thế giới lâm vào tình trạng hạn hán.
    • Tác phẩm Always Coming Home (1985) của Ursula K. Le Guin lấy bối cảnh tương lai rất xa, sau khi một thảm hoạ tự nhiên đã quét gần hết dân số thế giới. Truyện xoay quanh các xã hội nguyên thuỷ quyết tâm không mắc sai lầm của nền văn minh trước.
  • Công nghệ kỹ thuật bị hỏng
    • Trong truyện ngắn The Machine Stops (1909) của E. M. Forster, con người buộc phải xuống lòng đất sống vì bề mặt Trái Đất đã trở nên quá khắc nghiệt, hoàn toàn lệ thuộc vào "cỗ máy," một thực thể máy toàn năng chu cấp mọi nhu cầu của con người. Cỗ máy ngày một rệu rã và cuối cùng ngưng hoạt động hẳn, và những người sống lệ thuộc vào nó đều chết hết.
    • Trong tiểu thuyết Ravage (1943) của René Barjavel, sáng tác giai đoạn Pháp bị Đức chiếm đóng, nước Pháp đột nhiên bị mất điện, khiến hoảng loạn bùng nổ, và cùng với đó là bệnh dịch, đói kém, và những người sống sót tụ thành các nhóm nhỏ tìm cách sinh tồn.
  • Điểm kỳ dị công nghệ (technological singularity)
    • Về lý thuyết, “điểm kỳ dị công nghệ” là thời điểm một hệ thống trí thông minh nhân tạo phát triển quá nhanh, và trí tuệ đạt mức vượt trội so với con người.
    • Trong truyện ngắn I Have No Mouth, and I Must Scream (1967) của Harlan Ellison, một siêu máy tính mang tên AM (Allied Mastercomputer/Adaptive Manipulator) được chế tạo để kiểm soát chiến tranh trở nên có tri giác. Nó tận diệt toàn bộ loài người, chỉ để lại năm người sống sót, và tra tấn họ đủ đường.
  • Tài nguyên khan hiếm
    • Trong tác phẩm World Made By Hand (2008) của James Howard Kunstler, xã hội phải tìm cách sinh tồn trong bối cảnh nguồn dầu mỏ đã trở nên cạn kiệt.
    • Tác phẩm Player One (2010) của Douglas Coupland kể về bốn nhân vật trú trong sân bay Toronto trong khi bên ngoài, một loạt sự kiện tận thế đang diễn ra.
    • Tác phẩm Last Light và phần tiếp theo tên Afterlight của Alex Scarrow kể về sự suy thoái của nền văn minh nước Anh sau khi cuộc chiến tranh Trung Đông xoá sổ gần hết các trữ lượng dầu mỏ trên Trái Đất.
  • Đại dịch
    • Earth Abides (1949) của George R. Stewart kể về một người chứng kiến thế giới bị tàn phá bởi bệnh dịch. Dần dần anh ta quy tập được một cộng đồng, và tìm cách gìn giữ tri thức nhân loại.
    • Tác phẩm I Am Legend (1954) của Richard Matheson kể về cuộc đời của Robert Neville, người duy nhất không bị ảnh hưởng bởi một đại dịch toàn cầu đã biến con ngời thành một dạng ma cà rồng/zombie.
    • Tiểu thuyết Blindness (1995) của José Saramago kể về một đất nước bị đại dịch làm cho mù loà, và xã hội dần bị phá huỷ.
  • Chiến tranh
    • Shadow on the Hearth (1950) của Judith Merril là một trong những tác phẩm đầu tiên hậu Thế Chiến II viết về đề tài thế giới sau chiến tranh hạt nhân. Truyện kể về một bà mẹ trẻ cùng hai đứa con tìm cách sinh tồn trong một thế giới vừa trải qua chiến tranh hạt nhân.
    • Một cuộc chiến tranh hạt nhân diễn ra ở chương kết cuốn 451 độ F (1953) của Bradbury, sau khi nhân vật chính đang trên đường trốn chạy một xã hội toàn trị với chủ trương đốt hết sách vở.
    • Tiểu thuyết The Postman (1985) của David Brin lấy bối cảnh nước Mỹ trong quá trình xây dựng lại nền văn minh sau một cuộc chiến có tên "Doomwar."

Cùng dấn sâu vào dòng giả tưởng với tác phẩm mới nhất của Bookism tại đây bạn nhé.

↓   ↓


TAGS :

Kiến thức thú vị