Danh mục blog

Tại Rặng Núi Cuồng Điên (phần 3) - H. P. Lovecraft - Truyện Đọc Online

Giới thiệu chung

 

  1. Tiêu đề truyện gốc: At the Mountains of Madness
  2. Năm xuất bản lần đầu: 1931
  3. Dịch tiếng Việt bởi: Nguyễn Thành Long
  4. Bản quyền bản dịch: Sách Bookism

---

Đọc truyện: Tại Rặng Núi Cuồng Điên

CHƯƠNG I (phần 3)

Căn cứ phía Nam đã được chúng tôi thiết lập thành công ở tọa độ 86° 7’ vĩ Nam, 174° 23’ kinh Đông, mạn trên của con sông băng. Chúng tôi khi thì cưỡi xe trượt tuyết, lúc thì bay các chặng ngắn, ghé hết chốn này đến chốn nọ để tiến hành khoan đục và cho nổ mìn; tất cả đều được thực hiện một cách mau lẹ và hiệu quả đến thần diệu. Ngoài ra, từ hôm 13 cho đến 15 tháng Mười Hai, Pabodie cùng hai sinh viên cao học - Gedney và Carroll - đã có một hành trình leo núi Nansen đầy gian nan, nhưng rốt cuộc cũng đã chinh phục được nó. Tất cả những sự kiện trên đều đã được tài liệu sử sách ghi nhận. Chúng tôi ở độ cao khoảng hai ngàn năm trăm mét so với mực nước biển, và trong quá trình khoan thử nghiệm, đoàn chúng tôi phát hiện ra rằng tại một số điểm nhất định, băng tuyết chỉ phủ dày ba mét rưỡi, còn dưới đó là nền đất rắn. Thế là, tại hàng loạt nơi trước đây chưa nhà thám hiểm nào từng nghĩ đến việc thu thập khoáng vật, chúng tôi liên tục đem bộ thiết bị làm tan băng nhỏ ra sử dụng, kết hợp với khoan lỗ và cho nổ mìn. Những mẫu đá hoa cương Tiền Cambri và sa thạch Beacon[1] thu được nhờ phương pháp đó xác nhận quan điểm của chúng tôi, ấy là cao nguyên này thuần nhất với phần lớn khối lục địa ở phía Tây, song lại hơi khác với các khu vực nằm ở phía Đông, mạn dưới Nam Mỹ. Lúc bấy giờ, chúng tôi cứ ngỡ những vùng phía Đông đó hợp thành một lục địa con riêng biệt, bị một miền băng nơi biển Ross giao với biển Weddell[2] chia tách khỏi lục địa lớn; nhưng về sau, giả thuyết này đã bị Byrd bác bỏ.

Sau khi đã phát hiện ra bản chất sa thạch nhờ khoan thăm dò, chúng tôi sẽ khai thác mẫu bằng thuốc nổ, thế rồi dùng dùi đục đẽo gọt chúng. Trong một số mẫu vật thu được, chúng tôi đã tìm thấy những vết tích cũng như mảnh hóa thạch hết sức thú vị, đặc biệt là dương xỉ, rong biển, bọ ba thùy, huệ biển, cùng những loài thân mềm như động vật thuộc bộ tay cuộn dạng lưỡi và động vật lớp chân bụng - tất cả xem chừng đều đóng vai trò quan trọng trong lịch sử nguyên thủy của vùng. Ngoài ra, còn có cả một vết hình tam giác quái đản, vằn vện các dải vân, với đường xuyên tâm lớn nhất dài khoảng ba mươi phân, được Lake ghép lại từ ba mảnh đá bảng lấy dưới một hố khoan nổ mìn sâu hoắm. Mấy mảnh đá này gốc nằm tại một địa điểm chếch bên mé Tây, gần rặng Nữ hoàng Alexandra[3]; và Lake, với nhãn quan một nhà sinh vật học, ra chiều rất lấy làm lạ về cái vết kỳ cục do chúng hiệp thành, ý chừng coi đây là một thứ lý thú khác thường. Tuy nhiên, trong mắt dân địa chất như tôi, nó trông cũng chỉ tương tự mấy hiệu ứng gợn sóng hay xuất hiện ở đá trầm tích. Đá bảng chẳng qua chỉ là một kết cấu đá biến chất, hình thành từ một tầng trầm tích bị đè nén, và nếu trên đấy có bất kỳ vết tích nào, chúng cũng sẽ bị chính áp lực đó gây biến dạng theo những kiểu dị hợm. Vì thế, tôi chẳng thấy vết lõm có vân này có gì đáng trầm trồ thái quá đến vậy.

Vào hôm mùng 6 tháng Một, 1931, tôi, Lake, Pabodie, Danforth, và cả sáu sinh viên còn lại đã bay thẳng qua vùng trời điểm cực Nam trên hai phi cơ lớn. Có một lần gió mạnh chợt nổi lên, buộc đoàn chúng tôi phải hạ cánh; nhưng thật may mắn, nó không bùng hẳn thành một trận bão chuẩn mực. Như báo chí đã đăng, đây là một chuyến bay thám sát. Ngoài nó, chúng tôi còn thực hiện vài chuyến khác tương tự, vừa bay vừa dốc sức tìm kiếm các địa mạo mới ở những chốn chưa lớp thám hiểm đàn anh nào từng thăm thú. Thất vọng thay, trong mấy đợt bay đầu, chúng tôi chẳng đạt được mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, cũng chính trong những lần công cán đó, chúng tôi đã có cơ hội thưởng lãm một số ảo ảnh mỹ diệu và huyễn hoặc vô ngần của miền cực - những thức quà đoàn tôi mới chỉ được nếm sơ sơ mùi vị hồi vẫn đang lênh đênh ngoài khơi. Những rặng núi xa lơ lửng giữa trời, trông hệt các đô thành được yểm phép tiên; và lắm lúc, dưới yêu thuật của hòn lửa Mặt Trời sa thấp lúc nửa đêm, toàn bộ thế giới trắng ngần sẽ biến tan, hóa thành một xứ sở thắm tươi sắc vàng, sắc bạc, cùng sắc đỏ, tựa hồ chiêm bao của Lãnh chúa Dunsany[4] hiển linh với muôn vàn phiêu lưu ngóng đợi. Vào những ngày nhiều mây, việc bay trở nên khó khăn hơn hẳn, bởi lẽ nền đất tuyết phủ và bầu trời thường hay quyện lại thành một miền hư vô thần bí, đùng đục màu sữa, tuyệt chẳng thấy bóng dáng chân trời đánh dấu nơi đôi bên tiếp giáp nhau ở đâu hết.

Một thời gian sau, chúng tôi quyết định làm theo kế hoạch gốc, đó là lái cả bốn phi cơ thám hiểm tám trăm cây số về phía Đông và thiết lập một căn cứ phụ mới, với địa điểm nhiều khả năng sẽ nằm trên mảnh đất khi ấy hãy còn bị chúng tôi lầm tưởng là lục địa con. Các mẫu vật địa chất thu được tại đó sẽ rất có giá trị, bởi chúng tôi có thể dùng chúng làm tài nguyên so sánh. Tính đến nay, cả đoàn vẫn duy trì được thể trạng tuyệt hảo - dù phải ăn thực phẩm đóng hộp cùng đồ ướp muối triền miên, chúng tôi vẫn cân bằng tốt dinh dưỡng nhờ bổ sung nước cốt chanh; và vì nhiệt độ hầu như luôn cao hơn ngưỡng âm mười bảy, chúng tôi đỡ phải quấn kín mít những bộ đồ lông dày cộp lên người. Bấy giờ đang là giữa hè, và nếu khẩn trương triển khai mọi công tác sao cho thật chu đáo, chưa biết chừng chúng tôi sẽ kịp xong việc trước cuối tháng Ba, từ đấy tránh được một kỳ trú đông tẻ ngắt, thâu suốt đêm trường Nam Cực. Một loạt cơn bão hung tợn đã ập đến chỗ chúng tôi từ phía Tây, nhưng Atwood đã nghĩ ra diệu kế đắp những khối tuyết dày thành lán bảo vệ phi cơ và rào chắn gió thô sơ, đồng thời còn tháo vát dùng tuyết gia cố các gian lều chính trong trại. Nhờ sự tài tình của ông ta, chúng tôi không phải chịu thiệt hại gì. Quả tình, công việc của chúng tôi đã tiến triển một cách may mắn và suôn sẻ đến lạ.

Tất nhiên, công chúng đã biết về chương trình của chúng tôi, đồng thời cũng biết cả về chuyện Lake đã cố chấp đến kỳ khôi, sống chết đòi tổ chức bằng được một chuyến thám hiểm thăm dò về phía Tây - hay đúng hơn là phía Tây Bắc - trước khi chúng tôi chuyển hẳn sang căn cứ mới. Xem chừng cái vết tam giác có vân hằn trên phiến đá kia đã khiến ông miên man ngẫm ngợi, tưới tắm tâm tưởng với những ý nghĩ hết sức táo tợn và đáng quan ngại. Ông suy diễn ra được đôi ba điều bất nhất giữa đặc điểm tự nhiên và thời kỳ địa chất của cái vết, thành thử óc tò mò bị kích thích tột độ, và hăm hở muốn đẩy mạnh triển khai khoan đục kết hợp nổ mìn tại hệ tầng trải dài về phía Tây, bởi vì mấy mảnh đá chúng tôi đã khai quật được hiển nhiên từng là một phần của nó. Ông đinh ninh đến lạ về cái vết đấy, chắc mẩm rằng nó là dấu tích của một sinh vật đồ sộ, chưa ai từng biết đến, hoàn toàn không thể phân loại được, và thuộc nấc tiến hóa rất cao, dù cho phiến đá chứa nó có niên đại xa xưa tột cùng - từ tận kỷ Cambri, hoặc có khi Tiền Cambri cũng nên. Trong cái thuở viễn cổ ấy, sự sống vẫn còn chưa vượt nổi cấp đơn bào, hoặc bất quá cũng chỉ mới phát triển đến giai đoạn ba thùy thôi, nói chi đến chuyện có các sinh vật tiến hóa bậc cao? Những mảnh đá này, với cái vết kỳ lạ chúng mang, ắt phải có tuổi đời từ khoảng năm trăm triệu cho đến một tỷ năm chứ không ít.

(hết chương I)

 

[1] Một hệ tầng địa chất ở Nam Cực, được bồi tụ trong giai đoạn từ 400 đến 250 triệu năm trước. Tên của nó được lấy theo cụm đỉnh Beacon, hai đỉnh núi lớn thuộc khối sa thạch, được dùng làm mốc trắc địa cho nó. [N.D.]

[2] Một phần của Nam Đại Dương, nằm lệch về phía Đông của biển Ross và bị chia tách khỏi nó bởi Tiểu Nam Cực (phần lãnh thổ nằm ở Tây Bán cầu của Nam Cực). Biển được đặt theo tên của James Weddell (1787 - 1834) - người thủy thủ đầu tiên từng tiến vào biển này. [N.D.]

[3] Một rặng núi lớn nằm ở phía Đông biển Ross, gần Đại Lũy Băng. Tên rặng núi được đặt theo Nữ hoàng Alexandra (1844 - 1925) của Anh. [N.D.]

[4] Tức Edward John Moreton Drax Plunkett (1878-1957), Nam tước thứ 18 của Dunsany (Hạt Meath, Ireland), hay được gọi là Lãnh chúa Dunsany. Ông là một nhà văn kiêm nhà biên kịch rất nổi tiếng với các tác phẩm văn học kỳ ảo. [N.D.]


Cùng dấn sâu vào dòng giả tưởng với tác phẩm mới nhất của Bookism tại đây bạn nhé.

↓   ↓


TAGS :

H. P. Lovecraft