Danh mục blog

Tại Rặng Núi Cuồng Điên (phần 1) - H. P. Lovecraft - Truyện Đọc Online

Giới thiệu chung

 

  1. Tiêu đề truyện gốc: At the Mountains of Madness
  2. Năm xuất bản lần đầu: 1931
  3. Dịch tiếng Việt bởi: Nguyễn Thành Long
  4. Bản quyền bản dịch: Sách Bookism

---

Đọc truyện: Tại Rặng Núi Cuồng Điên

CHƯƠNG I

Nay tôi buộc phải đăng đàn lên tiếng, bởi lẽ cộng đồng khoa học đã quyết rằng trừ phi được biết tỏ tường nguyên cớ, họ sẽ bỏ ngoài tai khuyến cáo của tôi. Bất đắc dĩ lắm, tôi mới đành tiết lộ lý do mình phản đối chuyến thám hiểm Nam Cực đang được người ta suy tính tổ chức cũng như các hoạt động sẽ diễn ra trong chuyến đi ấy - bao gồm săn tìm hóa thạch trên diện rộng, khoan đục và nung tan lớp băng cổ trên quy mô lớn. Bên cạnh đó, vì biết lời cảnh báo của mình chưa chắc đã ăn thua, tôi lại càng chẳng muốn hoài công chia sẻ.

Những sự thật tôi công bố chắc chắn sẽ bị nghi ngờ; khốn thay, nếu lược bớt những tình tiết nghe quá đỗi hoang đường và khó tin, tôi sẽ chẳng còn gì để kể nữa. Các bức ảnh bấy lâu giấu kín, gồm cả ảnh chụp thường lẫn ảnh chụp từ trên không, sẽ giúp minh chứng cho lời tôi, bởi lẽ chúng rõ nét và sinh động đến giật mình. Hiềm nỗi, vì trần đời không thiếu những trò lừa tài tình được thực hiện rất đỗi công phu, chúng sẽ vẫn bị ngờ vực bủa vây. Những tấm hình vẽ tay thì tất nhiên sẽ bị nhạo báng là ngụy tạo rành rành, dẫu rằng lối vẽ dị biệt của chúng ắt sẽ thu hút sự chú ý của các chuyên gia nghệ thuật và khiến họ không khỏi bối rối.             

Rốt cuộc, tôi chỉ còn biết trông cậy vào óc suy xét cũng như địa vị của những nhà khoa học cốt cán. Bọn họ sở hữu một sự độc lập trong tư duy, cho phép họ thuần túy đánh giá các dữ liệu tôi cung cấp dựa trên sức thuyết phục khủng khiếp của chúng; hoặc không, họ cũng sẽ biết đường đối chiếu chúng với những bộ thần thoại khôn cùng khó hiểu, ra đời từ thuở ban sơ. Ngoài ra, vì thuộc diện có tầm ảnh hưởng, bọn họ sẽ tác động được đến giới thám hiểm, can ngăn họ khỏi mò đến chỗ rặng núi cuồng điên kia và khinh suất bày ra những chương trình quá tham vọng. Thật tiếc thay, riêng với những vấn đề kỳ quái tột bậc hoặc gây nhiều tranh cãi, tiếng nói của hạng người tương đối vô danh tiểu tốt như tôi và các đồng nghiệp của tôi, vốn chỉ là thành viên một trường đại học xoàng xĩnh, gần như không có trọng lượng.

Còn một cái khó nữa là xét chuẩn ra, chúng tôi không phải chuyên gia trong các lĩnh vực chính yếu của vụ việc đang được đề cập. Vì bản thân là một nhà địa chất học, thế nên khi lãnh đạo Chuyến thám hiểm Đại học Miskatonic, tôi chỉ đơn thuần muốn thu thập các mẫu đất đá tầng sâu từ nhiều khu vực khác nhau trên lục địa Nam Cực với sự hỗ trợ của một bộ khoan xuất sắc, chế tạo bởi Giáo sư Frank H. Pabodie, giảng viên khoa kỹ thuật của chúng tôi. Ngoài mảng đã kể, tôi chẳng có ý định trở thành người tiên phong trong bất kỳ mảng nào nữa cả; dù vậy, tôi vẫn hy vọng rằng khi triển khai thiết bị mới này dọc trên những nẻo đường đã không còn lạ lẫm dấu chân người, mình sẽ phát hiện ra những mẫu vật trước nay chưa ai từng kiếm được thông qua các phương pháp thông thường.

Như các báo cáo của chúng tôi đã cho công chúng biết, bộ khoan của Pabodie là một hệ thống máy độc đáo và đầy đột phá: nó rất nhẹ, mang tính di động cao, và hoạt động được cả như một mũi khoan giếng bình thường lẫn một mũi khoan xoay nhỏ chuyên đục đá, cho phép nó mau chóng thích ứng với các địa tầng đa độ cứng. Thiết bị này có thể khoan được những lỗ rộng mười hai phân và sâu tới hơn ba trăm mét, và tổng trọng lượng tất cả các bộ phận của nó, bao gồm mũi khoan thép, cần gắn khớp nối, động cơ xăng, giàn gỗ xếp gấp, dụng cụ kích nổ, dây nhợ, vít xoắn để loại bỏ phế thải, các đoạn đường ống, kèm thêm mọi phụ kiện cần thiết, sẽ không vượt quá tải trọng của ba xe trượt, mỗi xe do bảy chó kéo. Sở dĩ điều ấy lại khả thi bởi hầu hết các linh kiện kim loại đều được làm từ một dạng hợp kim nhôm tài tình. Chúng tôi còn sở hữu bốn phi cơ Dornier cỡ lớn với thiết kế chuyên biệt, giúp chúng vận hành tốt trên những độ cao vời vợi - điều kiện tiên quyết khi di chuyển bằng đường không tại cao nguyên Nam Cực. Đồng thời, chúng cũng được lắp thêm các thiết bị giữ ấm nhiên liệu và khởi động máy cấp tốc, tất thảy đều do Pabodie một tay chế tạo. Với chỗ phi cơ này, cả đoàn chúng tôi có thể bay từ khu căn cứ sát mép Đại Băng Lũy[1] tới những địa điểm phù hợp khác, nằm sâu trong đất liền; một khi đã ra đến những nơi ấy, chúng tôi chỉ cần có đủ chó thôi là được rồi.

Chúng tôi dự kiến sẽ lưu lại trọn một mùa Nam Cực - hoặc lâu hơn, nếu thực sự cần thiết - và hoạt động trên một địa bàn rộng hết mức có thể, chủ yếu tập trung vào các rặng núi và vùng cao nguyên mạn Nam biển Ross[2]. Đấy đều là những chốn từng được Shackleton[3], Amundsen[4], Scott[5], và Byrd[6] khám phá, không ít thì nhiều. Chúng tôi sẽ thường xuyên đổi trại, lấy phi cơ bay đi thật xa, ngõ hầu tạo được một chênh lệch khoảng cách có ý nghĩa về mặt địa chất. Với chiến lược ấy, chúng tôi trông đợi sẽ khai quật được một lượng mẫu vật vô tiền khoáng hậu - đặc biệt là các mẫu từ tầng Tiền Cambri[7], bởi vì tính đến nay, ta chưa thu được nhiều mẫu vật dạng này ở Nam Cực. Chúng tôi cũng mong sẽ tìm thấy thật nhiều mẫu đá chứa hóa thạch đa dạng từ cả các địa tầng trên nó nữa, bởi vì lịch sử sự sống nguyên thủy của vương quốc giá băng và chết chóc đầy ảm đạm này đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với hiểu biết của ta về quá khứ Trái Đất. Ai cũng biết rằng lục địa Nam Cực từng có khí hậu ôn hòa, thậm chí còn là khí hậu nhiệt đới, sôi động cỏ cây muông thú, nhưng nay chỉ duy địa y, động vật thủy sinh, động vật hình nhện, cùng với chim cánh cụt ở vùng rìa phía Bắc là còn tồn tại; chúng tôi hy vọng sẽ giúp mở mang kiến thức ấy, làm nó trở nên phong phú, chính xác, và chi tiết hơn. Trong bước khoan đơn giản, nếu phát hiện vết tích hóa thạch, chúng tôi sẽ dùng mìn nới rộng lỗ khoan để có thể thu về các mẫu vật với kích thước và tình trạng thích hợp.

Tùy vào triển vọng hứa hẹn bởi lớp đất đá bề mặt, chúng tôi sẽ tiến hành khoan theo những mức nông sâu khác nhau. Về địa điểm khoan, chúng tôi chỉ giới hạn trong những phần đất lộ thiên hoặc bán lộ thiên. Rốt cuộc, các bãi khoan không nằm tại sườn dốc thì cũng ở trên mấy rặng núi, bởi vì mọi vùng dưới thấp đều bị băng dày tận hai, ba cây số bao phủ, trong khi chúng tôi không thể phung phí thời gian khoan đục những khối tuyền băng với băng. Pabodie đã bày ra một kế: khoan những cụm lỗ san sát nhau, sau đó thòng các điện cực đồng xuống và bật một máy phát chạy xăng, dùng dòng điện của nó để làm tan băng cục bộ. Trong một cuộc thám hiểm như bấy giờ đang thực hiện, chúng tôi bất quá chỉ có thể triển khai kế sách này dưới dạng một thí nghiệm mà thôi, nhưng phương án ấy lại đang được Đoàn thám hiểm Starkweather-Moore sắp tới dự tính áp dụng, cho dù đã được tôi nhất mực can gián kể từ khi đoàn chúng tôi từ Nam Cực trở về.Thông qua các báo cáo điện tín được chúng tôi đều

 đặn gửi cho tờ Nhà quảng cáo Arkham và hãng Liên đoàn Báo chí cũng như các bài báo được Pabodie và tôi sau này đăng tải, công chúng đã chẳng còn lạ gì với Chuyến thám hiểm Miskatonic. Đoàn chúng tôi gồm bốn nhân sự nhà trường: Pabodie; Lake, giảng viên khoa sinh học; Atwood, giảng viên khoa vật lý, đồng thời cũng là nhà khí tượng học của đoàn; và tôi, giảng viên khoa địa chất, kiêm người giữ quyền chỉ huy trên danh nghĩa. Ngoài ra, đoàn còn có mười sáu trợ lý: bảy sinh viên cao học từ Miskatonic và chín thợ cơ khí lành nghề. Trong số mười sáu người này, mười hai người là phi công có trình độ, và chỉ mỗi hai người là không sử dụng được thành thạo máy phát vô tuyến. Tám người trong nhóm đó biết cách định hướng bằng la bàn và kính lục phân, giống như Pabodie, Atwood, và tôi vậy. Bên cạnh đó, tất nhiên còn phải kể đến đội ngũ trên hai con tàu của chúng tôi nữa. Đây đều là tàu gỗ, trước từng dùng để săn cá voi, được gia cố để hoạt động trong môi trường băng giá, có động cơ hơi nước phụ trợ, và đầy đủ thủy thủ đoàn.

Chuyến thám hiểm được tài trợ bởi Quỹ Nathaniel Derby Pickman, cùng với một số khoản quyên góp đặc biệt khác; nhờ vậy, tuy không được dư luận rầm rộ chú ý, chúng tôi vẫn có thể sắm sửa hết sức chu toàn. Lũ chó, xe trượt tuyết, máy móc, vật liệu dựng trại, cùng các bộ phận của năm chiếc phi cơ chưa lắp ráp được chuyển đến Boston và chất lên tàu chúng tôi tại đó. Với trang bị của mình, chúng tôi chẳng việc gì phải ngán ngại những mục tiêu đã đặt. Về khoản vật dụng thiết yếu, chế độ sinh hoạt, phương tiện chuyên chở, và quy cách dựng trại, chúng tôi có thể nhìn vào hàng bao con người lỗi lạc từng xông pha đi trước trong những năm gần đây, học hỏi tấm gương xuất chúng của họ, và từ đó liệu đường toan tính. Mặt khác, chính vì có quá nhiều bậc đàn anh lẫy lừng như vậy, chuyến thám hiểm của chúng tôi chẳng được thiên hạ lưu tâm đến mấy, dẫu nó cũng tầm cỡ ra trò.

Như báo chí đã đưa tin, hôm mùng 2 tháng Chín, 1930, chúng tôi khởi hành từ cảng Boston, thong thả đi xuôi bờ biển và băng qua kênh đào Panama, sau đó ghé vào Samoa và Hobart, Tasmania. Trong khi dừng ở Hobart, chúng tôi bổ sung nhu yếu phẩm nốt lần cuối. Chưa ai trong đoàn thám hiểm chúng tôi từng đến vùng cực cả, thế nên trăm sự chúng tôi đều nhờ cả vào các thuyền trưởng của mình: J. B. Douglas, chỉ huy tàu Arkham kiêm lãnh đạo trên biển của đoàn, và Georg Thorfinnssen, chỉ huy tàu Miskatonic. Cả hai đều dạn dày kinh nghiệm săn cá voi ở vùng biển Nam Cực.

Chúng tôi giã biệt thế giới có người sinh sống, và mỗi ngày trôi qua, Mặt Trời nơi phương Bắc lại sà xuống thấp hơn, nấn ná lâu lắc phía trên đường chân trời hơn. Ở khoảng 62° vĩ Nam, chúng tôi trông thấy những tảng băng trôi đầu tiên - nhìn hệt như những chiếc bàn với cạnh thẳng đứng - và lúc tiến sát đến vòng Nam Cực, chúng tôi bị đồng băng gây cản trở nghiêm trọng. Hôm 20 tháng Mười, chúng tôi vượt qua lằn ranh ấy, và đã tổ chức những nghi lễ vui lạ phù hợp để ăn mừng dấu mốc này. Nhiệt độ ngày càng tụt sâu, và vì vừa thực hiện xong một chuyến hải hành dài qua miền nhiệt đới, tôi cảm thấy chẳng khác nào bị tra tấn; nhưng tôi vẫn gắng sức chịu đựng, gồng mình đón đợi những điều kiện thậm chí còn khắc nghiệt hơn, sau này tất sẽ ập tới. Nhiều dịp, các hiệu ứng khí quyển kỳ lạ khiến tôi mê mẩn tâm thần; tiêu biểu trong đó là một ảo ảnh sống động đến ngỡ ngàng - ảo ảnh đầu tiên tôi từng được chiêm ngưỡng trong đời - khiến các khối băng xa như hóa thành tường lũy của những tòa lâu đài vũ trụ, huyền hoặc đến phi thường.

May mắn thay, đồng băng không trải quá rộng mà cũng chẳng ken quá dày, và sau khi thúc xuyên qua nó, tại tọa độ 67° vĩ Nam, 175° kinh Đông, chúng tôi lại ra đến nơi biển thoáng. Vào sáng hôm 26 tháng Mười, một ánh băng[8] chói lòa bừng lên ở mạn Nam; thế rồi trước trưa, một dãy núi tuyết phủ hùng tráng và bề thế sừng sững hiện ra, choán trọn tầm nhìn. Trông thấy khung cảnh ấy, tất cả chúng tôi đều phấn khích đến run người. Cuối cùng chúng tôi cũng đã giáp mặt một tiền đồn của lục địa vĩ đại vô danh này cũng như cái thế giới băng giá chết chóc bí hiểm của nó. Những chỏm núi kia hiển nhiên phải thuộc rặng Hải Quân[9] do Ross phát hiện, và bây giờ, nhiệm vụ của chúng tôi là đi vòng qua mũi Adare[10], sau đó cho thuyền đi xuôi bờ Đông của vùng đất Victoria[11] để đến khu căn cứ mình đã dự tính sẽ thiết lập trên bờ eo McMurdo[12], dưới chân ngọn núi lửa Erebus[13] ở 77° 9’ vĩ Nam.

(Còn tiếp)


[1] Tức thềm băng Ross, một khối băng khổng lồ lấn vào Nam Cực từ phía Bắc, mạn gần với New Zealand nhất của lục địa. Tên nó được đặt theo James Clark Ross (1800 - 1862) - nhà thám hiểm người Anh từng có nhiều phát hiện quan trọng về khu vực này. Vì gây cản trở nghiêm trọng cho việc tiến sâu vào mạn Nam Nam Cực, thềm băng Ross còn được mệnh danh là “Đại Băng Lũy,” tức “bức lũy băng khổng lồ.” [Chú thích của người dịch, sau đây viết tắt là N.D.]

[2] Một vịnh sâu của Nam Đại Dương, nằm cùng khu vực với Đại Lũy Băng và bị nó chắn về phía Nam. Đây là vùng biển cực Nam của Trái Đất. Tên biển cũng được đặt theo James Clark Ross. [N.D.]

[3] Tức Ernest Shackleton (1874 - 1922), một nhà thám hiểm Nam Cực người Anh-Ireland, từng lãnh đạo ba chuyến thám hiểm đến Nam Cực. [N.D.]

[4] Tức Roald Amundsen (1872 - 1928), một nhà thám hiểm vùng cực người Na Uy. Ông là chỉ huy của đoàn thám hiểm đầu tiên đặt chân đến Nam Cực. [N.D.]

[5] Tức Robert Falcon Scott (1868 - 1912), một sĩ quan Hải quân Hoàng gia Anh kiêm nhà thám hiểm Nam Cực. Ông tử nạn trong một một chuyến thám hiểm đến vùng cực hồi năm 1913, và sau đó đã trở thành một biểu tượng quốc gia tại Anh Quốc. [N.D.]

[6] Tức Richard E. Byrd (1888 - 1957), một sĩ quan hải quân kiêm nhà thám hiểm người Mỹ. Ông là một trong những người đầu tiên từng đến được cả Bắc Cực và Nam Cực theo đường không. [N.D.]

[7] Một đơn vị thời gian địa chất không chính thức, trải từ sự lúc Trái Đất hình thành (khoảng 4,6 tỷ năm trước) đến đầu kỷ Cambri (khoảng 538,8 triệu năm trước), khi các sinh vật vỏ cứng bắt đầu xuất hiện. [N.D.]

[8] Một hiện tượng khí quyển hay gặp ở Nam Cực, xuất hiện khi ánh sáng chiếu xuống các vùng phủ kín băng tuyết và bị hắt ngược lên, tạo thành một quầng sáng rực rỡ có thể được nhìn thấy từ ngoài khơi. [N.D.]

[9] Một cụm núi nằm ở phía Tây Bắc Đại Lũy Băng, tiếp giáp với mạn Tây biển Ross. Tên của các ngọn và rặng núi lẻ trong cụm được James Clark Ross đặt theo các ủy viên đương thời của Bộ Hải quân Hoàng gia Anh, từ đó khiến cả cụm núi được gọi chung là rặng Hải Quân (hoặc rặng Admiralty). [N.D.]

[10] Một mũi đất bazan đen nổi bật, nằm ở phía Bắc rặng Hải Quân và tiếp giáp mạn Tây biển Ross, phân tách biển Ross khỏi Nam Đại Dương. Tên mũi đất được James Clark Ross đặt theo Tử tước Adare, một người bạn của Ross. [N.D.]

[11] Một khu vực chắn phía Tây của biển Ross và Đại Lũy Băng, chứa rặng Hải Quân và mũi Adare. Tên vùng đất được đặt theo Nữ hoàng Victoria (1819 - 1901) của Anh. [N.D.]

[12] Một eo biển dẫn ra biển Ross, nằm sát mép Tây Bắc của Đại Lũy Băng và tiếp giáp với phía Đông vùng đất Victoria. Đây được coi là vùng nước có thể điều hướng được xa nhất về phía Nam của Trái Đất. Tên eo biển được đặt theo Phó đô đốc Archibald McMurdo (1812 - 1875) - một sĩ quan dưới quyền từng cùng James Clark Ross đến thám hiểm Nam Cực. [N.D.]

[13] Một núi lửa đang hoạt động ở Nam Cực, nằm trên đảo Ross (một hòn đảo trong eo McMurdo, gần sát bờ vùng đất Victoria). Tên núi được đặt theo tàu Hải quân Hoàng gia Erebus, một trong hai con tàu do James Clark Ross chỉ huy trong chuyến thám hiểm Nam Cực 1839 - 1843. [N.D.]


Cùng dấn sâu vào dòng giả tưởng với tác phẩm mới nhất của Bookism tại đây bạn nhé.

↓   ↓


TAGS :

H. P. Lovecraft