Danh mục blog

Steampunk là gì: khái niệm, nguồn gốc và ví dụ

Steampunk hẳn không phải thuật ngữ xa lạ với các fan khoa học viễn tưởng (sci fi/science fiction). Nhưng thực sự Steampunk là gì? Cùng tìm hiểu nhé.

Định nghĩa Steampunk

 

Steampunk là một dòng khoa học viễn tưởng với các yếu tố công nghệ và phong cách thiết kế lấy cảm hứng từ các động cơ hơi nước thời thế kỷ 19. Steampunk thường lấy bối cảnh là một dòng lịch sử đã biến đổi (alternate history) thời thế kỷ 19, giai đoạn Victoria ở Anh, trong các tương lai hậu tận thế chỉ còn dùng được công nghệ hơi nước, hoặc các bối cảnh fantasy cùng mô típ đã nói. Trong dòng steampunk thường xuất hiện các thứ công nghệ lỗi thời hoặc công nghệ tương lai theo phong cách cổ trang như hình dung của người thời thế kỷ 19. Các phong cách thời trang, văn hoá, nghệ thuật cũng lấy cảm hứng từ thời đó.

Nguồn gốc từ Steampunk

(Nguồn: Wikimedia)

Mặc dù nhiều tác phẩm trứ danh của dòng này được xuất bản từ những năm 1960 và 1970, thuật ngữ “steampunk” xuất hiện trong giai đoạn cuối thập niên 1980 dưới hình thức biến thể của từ cyberpunk. Người nghĩ ra từ này là nhà văn khoa học viễn tưởng K. W. Jeter, lúc bấy giờ đang tìm thuật ngữ chung chỉ các tác phẩm của Tim Powers (The Anubis Gates, 1983); James Blaylock (Homunculus, 1986); và chính bản thân ông (Morlock Night, 1979, và Infernal Devices, 1987)—tất cả đều lấy bối cảnh thế kỷ và mô phỏng văn phong của những tác phẩm khoa học viễn tưởng thời Victoria như Cỗ máy thời gian của H. G. Wells. Trong một bức thư gửi tạp chí Locus, Jeter đã viết:

Cá nhân tôi tin rằng sắp tới sẽ dậy lên làn sóng văn học kỳ ảo lấy bối cảnh Victoria, nếu chúng ta có thể nghĩ ra một thuật ngữ bao trùm được các tác phẩm của Powers, Blaylock và của cả tôi. Thuật ngữ này cần được dựa trên công nghệ thời đó; ví dụ như 'steam-punks'.

Các bối cảnh steampunk thường gặp và một số ví dụ

nautilus

(Nguồn: Wikimedia)

  • Thế giới khác
    • Kể từ những năm 1990, steampunk đã bắt đầu vươn ra ngoài phạm vi những tác phẩm lấy bối cảnh là giai đoạn lịch sử có thật và bao gồm cả những tác phẩm viết về các thế giới tưởng tượng phụ thuộc vào công nghệ hơi nước hoặc công nghệ lò xo. Một trong những truyện có sử dụng thiết bị máy hơi nước ra đời sớm nhất là The Aerial Burglar năm 1844.
    • Bên cạnh các tác phẩm lấy bối cảnh lịch sử hoặc thế giới hoàn toàn hư cấu, cũng có các tác phẩm lấy bối cảnh là tương lai giả định hoặc tương lai hư cấu, trong đó công nghệ và xu hướng thẩm mỹ mang nặng các yếu tố steampunk. Ví dụ như phim The City of Lost Children (1995) của Jean-Pierre Jeunet & Marc Caro và phim Treasure Planet (2002) của Disney.
  • Hậu tận thế
    • The Last Man của Mary Shelley với bối cảnh cuối thế kỷ 21 khi nền văn minhđã sụp đổ có lẽ chính là tiền thân của steampunk hậu tận thế. Steampunk hậu tận thế lấy bối cảnh là nền văn minh thế giới đã suy tàn, chỉ còn công nghệ hơi nước là sử dụng được. Tiểu thuyết The Wrath of Fate của Robert Brown lấy bối cảnh là thế giới mang dáng dấp thời kỳ Victoria, đang trên đà diệt vong vì tai nạn du hành thời gian. Series Boneshaker của Cherie Priest lấy bối cảnh là thảm hoạ zombie diễn ra trong thời nội chiến.
  • Thời kỳ Victoria
    • Các tác phẩm với bối cảnh Victoria thường lấy khung thời gian là khi cuộc Cách mạng Công nghiệp đã diễn ra rồi, nhưng điện vẫn chưa được dùng nhiều. Các tác phẩm với bối cảnh này thường xoay quanh các thứ thiết bị chạy hơi hoặc lò xo. Ví dụ cần phải kể đến là tác phẩm The Difference Engine, bộ truyện tranh League of Extraordinary Gentlemen, bộ phim hoạt hình Atlantis: The Lost Empire của Disney, bộ ba tác phẩm Leviathan của Scott Westerfeld.
    • Các tác phẩm steampunk mang tính “lịch sử” thường thuộc về mảng khoa học viễn tưởng, nhưng cũng có một số tác phẩm sử dụng yếu tố pháp thuật. Ví dụ như Morlock Night của K. W. Jeter xoay quanh câu chuyện phù thuỷ Merlin tìm cách hồi sinh Vua Arthur để cứu nước Anh.

Cùng dấn sâu vào dòng giả tưởng với tác phẩm mới nhất của Bookism tại đây bạn nhé.

↓   ↓


TAGS :

Kiến thức thú vị